XE MÁY TẠM GIỮ QUÁ HẠN: CẦN ĐƯỢC XỬ LÝ KỊP THỜI
![]() |
Xe máy quá hạn tạm giữ tại kho 161 Võ Thị Sáu đang chờ xử lý. Ảnh: Minh Tuấn. |
Hiện có khoảng hơn 700 xe gắn máy tạm giữ tại kho giữ xe của Công an TP. Vũng Tàu đã quá hạn cần được xử lý bằng việc trưng cầu giám định kỹ thuật, định giá và tổ chức bán đấu giá. Nhưng do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng nên số xe này vẫn đang còn chờ... làm cho các kho bãi giữ xe ngày một quá tải, nhất là vào dịp Tết, lễ và các đợt cao điểm thực hiện an toàn giao thông.
Sáng 28-5, có mặt tại Kho giữ xe 161 Võ Thị Sáu của Công an TP. Vũng Tàu, sau gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi thấy có hơn 40 chủ phương tiện vi phạm Luật Giao thông đến nhận lại xe gắn máy của mình sau khi được xử lý... nộp tiền phạt. Số xe gắn máy vi phạm bị tạm giữ mới được đưa vào đây cũng hơn 15 chiếc. Theo anh Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội bảo vệ Kho giữ xe 161 Võ Thị Sáu thì số xe được xử lý và tạm giữ trong ngày hôm đó chưa phải là nhiều. Vào những ngày Tết, lễ hoặc các đợt cao điểm thực hiện an toàn giao thông, số xe vi phạm bị tạm giữ chật cứng cả kho bãi. Đó là những xe vi phạm các lỗi: Gây tai nạn, vượt đèn đỏ, chạy không đúng phần đường, không có giấy phép lái xe, chở số lượng người quá qui định, đi vào đường cấm, chạy xe dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng … Tùy theo mức độ sai phạm mà xe bị tạm giữ từ 3 đến 5 ngày hoặc 15 ngày để chờ xử lý. Nhiều chủ phương tiện như anh Nguyễn Văn Tiến đi xe 72H1 044…, chị Huỳnh Thị An đi xe 72F8 156…, anh Trần Đình Quang đi xe 72H7 919…, chị Nguyễn Thị Liên đi xe 72H7 760… sau khi nhận lại xe bị tạm giữ đều cho rằng, khi bị xử phạt vi phạm an toàn giao thông đã cố gắng chấp hành mức xử phạt, nhanh chóng nhận lại xe để có phương tiện đi lại, làm ăn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chủ phương tiện đã "quên" không trở lại lấy xe máy của mình. Điều này đã làm cho số xe máy tạm giữ quá hạn tại Kho giữ xe 161 Võ Thị Sáu lên đến hơn 700 chiếc, trong đó có gần 200 chiếc đã giám định kỹ thuật và được chuyển đến kho giữ xe máy của Công an tỉnh để chờ ngày bán đấu giá. Số xe quá hạn tạm giữ này có thời gian từ 4-6 tháng đến hơn 12 tháng và đủ các chủng loại xe máy, từ Chaly, 67, 78, 92 đến Dream II, Viva, Wave… và "có mặt" biển số của nhiều tỉnh, thành: 72-(Bà Rịa-Vũng Tàu), 29-(Hà Nội), 43-(Đà Nẵng), 47-(Đắc Lắc), 60-(Đồng Nai), 50-(TP.Hồ Chí Minh), 71-(Bến Tre), 65-(Cần Thơ), 63-(Tiền Giang), 70-(Tây Ninh)… Hầu hết các xe tạm giữ quá hạn là xe không có giấy tờ hợp lệ, xe gian, xe bị tịch thu do tổ chức đua xe trái phép. Theo ông Nguyễn Tiến Liêm, Trưởng phòng CSGT tỉnh, nếu không được xử lý kịp thời thì ngoài việc làm cho các kho bãi giữ xe quá tải số xe máy này sẽ bị hư hỏng và mau chóng xuống cấp là điều khó tránh khỏi.
Như đã nói ở trên, vấn đề xử lý xe gắn máy quá hạn tạm giữ là một bài toán khá nan giải trong nhiều năm qua vì việc thực hiện của các ngành chức năng còn thiếu đồng bộ và bất cập. Thiết nghĩ, để lập lại trật tự, kỷ cương an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn, ngoài việc xử phạt nghiêm với các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nhanh chóng các phương tiện tạm giữ, tránh hư hỏng xuống cấp, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân.
Minh Tiến