.

HÔM NAY 1-7, XÉT XỬ SƠ THẨM LẦN THỨ 2 VỤ ÁN NGUYỄN VĂN TIÊN: THÊM MỘT BÀI HỌC ĐỀN BÙ SAI, KHỐNG!

Cập nhật: 08:51, 01/07/2004 (GMT+7)

· Hai "nhân vật" trong Ban đền bù giải tỏa của tỉnh bị truy tố về tội "cố ý làm trái…".

Theo lịch xét xử của TAND tỉnh BR-VT, hôm nay (1-7) sẽ đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tập đoàn trưởng Tập đoàn diêm-ngư- nghiệp Trung Đồng (phường 10, TP. Vũng Tàu) được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm lần thứ 2. Trước đó vào năm 2002, vụ án này đã được TAND tỉnh BR-VT xét xử và Nguyễn Văn Tiên đã bị tuyên phạt 10 năm tù. Nguyễn Văn Tiên làm đơn kháng cáo và Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh  đã hoàn trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu. Khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra lại thì phát hiện hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của một số cán bộ Nhà nước có thẩm quyền và đã khởi tố thêm 2 bị can. Lại thêm một bài học nữa về quản lý đất đai khi mà 2 vụ án Nguyễn Quan Ký và Nguyễn Thị Thu Dung - 2 vụ án điển hình về việc đền bù sai gây thiệt hại cho Nhà nước còn chưa ráo mực.

NGUYỄN VĂN TIÊN ĐÃ "NUỐT" TIỀN CỦA XÃ VIÊN NHƯ THẾ NÀO?

Tập đoàn diêm- ngư-nông nghiệp Trung Đồng được thành lập năm 1986 và được UBND đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo giao 19 ha đất tại khu Đông Xuyên để sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản. Nguyễn Văn Tiên làm tập đoàn trưởng từ năm 1987. Nhưng do làm ăn không có hiệu quả, đa số xã viên bỏ đi làm nghề tự do, chỉ còn một số người ở lại "cầm cự". Năm 1993, UBND tỉnh BR-VT ra quyết định thu hồi đất ở khu Đông Xuyên theo chủ trương quy hoạch, trong đó, có 19 ha đất của tập đoàn Trung Đồng và được tính toán đền bù số tiền hơn 1 tỷ đồng. Nhưng thực chất, Tập đoàn Trung Đồng được nhận hơn 727 triệu đồng vì có 6 ha đất (trong 19 ha) đã được Sở GT-VT đền bù số tiền hơn 335 triệu đồng. Sau khi nhận tiền đền bù, UBND phường 10 đã trích 30% (221 triệu đồng) để giữ lại làm ngân sách cho phường, còn lại 516 triệu đồng giao cho Nguyễn Văn Tiên có trách nhiệm chia cho các xã viên của tập đoàn. Nhưng Tiên đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền hơn 298 triệu đồng mà đáng lẽ là của tất cả các thành viên của tập đoàn. Các thủ đoạn của Tiên là: kê khống số tiền trả nợ Ngân hàng thay tập đoàn của Tiên từ hơn 904.000 đồng lên hơn 220 triệu đồng; tự ý đưa 5 người thân của mình vào danh sách xã viên được nhận tiền đền bù chiếm đoạt hơn 34 triệu đồng, để ngoài sổ sách 36 triệu đồng, bắt các xã viên nộp 7,2 triệu đồng nói là bồi dưỡng cho Ban quản lý tập đoàn rồi chiếm đoạt luôn. Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Tiên cho rằng mình xứng đáng được hưởng số tiền hơn 298 triệu đồng (?). Mặt khác, Tiên còn liên tục khiếu nại để đòi đền bù bổ sung 5,9 tỷ đồng cho 17 ha đất nói trên. Tuy nhiên, các chứng cứ hồ sơ và thực chất của vụ việc đã khẳng định và cho thấy số tiền 516 triệu đồng mà Nhà nước đền bù cho tập đoàn Trung Đồng là đền bù cho công sức khai phá, bồi hoàn thành quả lao động mà cụ thể là ruộng muối, đê ngăn mặn, lò vôi… do chính công sức toàn bộ thành viên tập đoàn bỏ ra chứ không riêng gì Nguyễn Văn Tiên. Đồng thời, không có một văn bản nào cho thấy Nhà nước đã giao 19 ha đất ở khu Đông Xuyên cho Tiên và gia đình. Toàn bộ các xã viên của tập đoàn Trung Đồng khi được cơ quan điều tra lấy lời khai cũng khẳng định việc Tiên chiếm đoạt 298 triệu đồng là hoàn toàn sai trái.

SỰ TIẾP TAY CỦA MỘT SỐ CÁN BỘ CÓ THẨM QUYỀN

Sau khi Tòa phúc thẩm trả lại hồ sơ vụ án để điều tra xét xử lại từ đầu thì Cơ quan An ninh Điều tra- Công an tỉnh đã phát hiện có việc cố ý làm trái của một số cán bộ có thẩm quyền trong việc đền bù sai cho Tập đoàn Trung Đồng. Trong đó có Trần Đặng Tuấn và Dương Đức Duy là thành viên thuộc Ban đền bù giải tỏa của tỉnh mà cơ quan công an đã khởi tố bị can nhưng cho tại ngoại.

Vào năm 1993, UBND tỉnh BR-VT có quyết định thành lập Ban đền bù giải tỏa do ông Đặng Như Hiển- Giám đốc Sở Địa chính làm Trưởng ban; ông Trần Đặng Tuấn, Phó ban quản lý công trình (Sở Xây dựng) làm Phó ban và ông Dương Đức Duy, Chủ tịch UBND phường 10 làm thành viên. Ngoài ra, Ban đền bù giải tỏa còn có nhiều thành viên đại diện của các ban ngành khác. Khi tiến hành khảo sát, lên phương án đền bù, Ban đền bù giải toả  đã cố ý làm trái Luật Đất đai năm 1988 và những văn bản dưới luật khác, dẫn đến việc UBND tỉnh duyệt đền bù sai cho 52 hộ dân và 2 tập đoàn (Trung Đồng và Đông Xuyên) gây thất thoát cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Cụ thể trong vụ án này, Nguyễn Văn Tiên đã tự nhận có 17 ha nằm trong số 611.950m2 mà Ban đền bù giải toả đã thống nhất đền bù (thực chất 17 ha đất này không nằm trong số đất thống nhất sẽ đền bù). Trong khi Tiên chưa có đơn xin đền bù 17 ha đất nói trên thì đã được tổ kiểm kê đo đạc gồm Dương Đức Duy, Nguyễn Văn Nghề, Nguyễn Tiến Lâm, Trần Thị Chí… lập biên bản xác nhận khống vào ngày 7-4-1993. Để "kịch bản" lấy tiền Nhà nước được "tươm tất", Dương Đức Duy với tư cách là Chủ tịch UBND phường 10 đã ký xác nhận vào đơn với nội dung có giao cho Tiên 17 ha đất canh tác từ 1988. Lá đơn này, Tiên thừa nhận được bà Trần Thị Chí, cán bộ của Ban "hướng dẫn" làm. Trong quá trình điều tra, Tiên cũng thừa nhận biên bản kiểm kê đất lập ngày 7-4-1993 như trên, nhưng đến đầu 1995, Tiên mới được Nguyễn Tiến Tâm là cán bộ trong Ban đền bù giải tỏa đưa cho ký.

Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Tiên khai đã sử dụng mua 1 cặp ghe, một miếng đất, sửa nhà và cho con cái chứ không chia cho những cán bộ đã "giúp" mình.

L.Đ.T