.

THI HÀNH ÁN DÂN SỰ: CHẬM VÀ BẾ TẮC

Cập nhật: 08:34, 23/06/2004 (GMT+7)
Lực lượng thi hành án tháo dỡ các trụ bơm của cây xăng Hoàng Hảo 2 để thi hành án vào tháng 5-2004 - Một trong những vụ cưỡng chế hiếm hoi! Ảnh: L.Đ

Sự chậm chạp trong thi hành án dân sự đang tạo ra nhiều bức xúc, bất bình cho người dân. Điều đáng quan tâm là ở chỗ, các cơ quan chức năng dù có muốn đẩy nhanh tiến độ thi hành án thì cũng không xong. Hàng loạt hồ sơ vẫn chất đống để chờ ngày giải quyết... Một năm, hai năm, thậm chí có hồ sơ tồn đọng hàng chục năm rồi vẫn chưa giải quyết được...

THI HÀNH… TRÊN GIẤY!

Tháng 4-2002, Đinh Văn Dế (sinh năm 1972, trú tại phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) bị TAND tối cao tuyên phạt tù chung thân vì hành vi giết người, cướp của. Dế gây án tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT. Ngoài hình phạt tù, về phần trách nhiệm dân sự, Dế còn bị buộc phải nộp cho gia đình bị hại với tổng số tiền hơn 13 triệu đồng. Khi bản án có hiệu lực, do Đinh Văn Dế không phải là người cư trú tại địa phương nên tháng 8-2002 Phòng Thi hành án BR-VT đã gửi quyết định ủy thác thi hành cho Đội thi hành án thị xã Vĩnh Long. Tuy nhiên, bố mẹ Dế đã mất, Dế lại chưa có gia đình, bản thân Dế là người không nghề nghiệp, không có thu nhập gì đáng kể trước khi gây án nên gần như không có khả năng thi hành phần trách nhiệm dân sự. Trong khi đó, gia đình ông Dương Văn Luyện- người được thi hành án, sau cái chết của người thân vì lo ma chay và làm ăn thua lỗ đã gặp rất nhiều khó khăn. Hiện gia đình đang nợ 10 triệu đồng và đang bị kiện ra tòa. Bản thân ông bị bệnh tim kinh niên, không làm ra tiền và có 2 con nhỏ. Ông Luyện đang làm đơn gửi các cơ quan chức năng để được nhận khoản bồi thường từ Đinh Văn Dế.  Trao đổi với chúng tôi, gia đình ông Luyện cho biết, Đội Thi hành án thị xã Vĩnh Long đã báo cho gia đình rằng Đinh Văn Dế không có tài sản nào để thi hành án. Như vậy, khoản tiền 13 triệu đồng mà gia đình ông Luyện được nhận như quyết định của tòa hầu như không có khả năng thi hành. Theo ông Hồ Quốc Lập, Phó Trưởng phòng thi hành án tỉnh BR-VT thì những trường hợp tương tự như trên rất nhiều. Do không giải quyết được nên cơ quan thi hành án đành chuyển thành loại án "theo dõi riêng" và… để đó. Có nghĩa là quyết định về phần dân sự của bản án trong vụ việc trên vẫn chỉ nằm… trên giấy của cơ quan thi hành án.

Cũng theo ông Hồ Quốc Lập thì khó khăn lớn nhất đối với công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua là sau khi phân loại, đối với loại án không có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án chuyển thành loại án gọi là "theo dõi riêng", chứ chưa có hướng dẫn xử lý. Người được thi hành án rất khó để nhận được quyền lợi của mình theo quyết định của tòa án. Điều bất cập là cơ quan thi hành án vẫn phải mất công, tốn sức theo dõi định kỳ 3 tháng một lần. Nếu cơ quan thi hành án không thực hiện thì chưa làm đúng quy định, nhưng thực hiện thì không mang lại kết quả.

MỘT BẢN ÁN GẦN 10 NĂM CHƯA THI HÀNH XONG!

Hai gia đình ông Võ Nhung và Đặng Văn Chừng (ngụ tại huyện Long Điền) tranh chấp một mảnh đất có diện tích 1,5 ha từ năm 1995. Tòa đã mở đến phiên giám đốc thẩm và có hiệu lực thi hành từ 6-1997 nhưng đến nay đã gần 10 năm nhưng quyết định của tòa vẫn còn nguyên trên giấy. Nguyên nhân của vụ kiện kéo dài mà đến nay vẫn chưa thi hành án được là: miếng đất đang tranh chấp là đất của anh ruột ông Đặng Văn Chừng. Sau giải phóng, miếng đất này bị bỏ hoang. Sau đó, địa phương đã lấy miếng đất này tạm cấp cho những người có nhu cầu canh tác, trong đó có ông Võ Nhung. Năm 1990, ông Chừng làm đơn xin lại đất và bị ông Võ Nhung đâm đơn kiện. Ngày 26-12-1995, TAND huyện Long Đất  (cũ) mở phiên toà xét xử sơ thẩm xử mỗi bên được hưởng ½ diện tích mảnh đất. Ngày 20-3-1996, TAND tỉnh BR-VT xét xử phúc thẩm và xử y án sơ thẩm. Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Đội Thi hành án huyện Long Đất (cũ) đã thi hành bản án, chia đôi mảnh đất cho hai ông. Tuy nhiên, ngày 1-2-1997, TAND tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm. Và ngày 19-6-1997, TAND tối cao xử giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị nói trên: sửa bản án phúc thẩm và bác yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của ông Võ Nhung đối với ông Đặng Văn Chừng. Đội Thi hành án lại tiếp tục thi hành bản án giám đốc thẩm thì có kiến nghị của Huyện ủy, HĐND huyện Long Đất về việc không đồng tình với bản án giám đốc thẩm và yêu cầu hoãn thi hành bản án giám đốc thẩm. Vì có nhiều ý kiến bất đồng, Phòng Thi hành án đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) và VKSND tối cao để thi hành nhưng đến nay, Phòng vẫn chưa nhận được câu trả lời của hai cơ quan Trung ương trên. Như vậy, một vụ việc từ khi khiếu kiện đến nay đã gần 15 năm, còn từ khi bản án cuối cùng đến nay đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Những loại án thế này, cơ quan thi hành án phải xếp vào dạng đang thi hành dở dang, không có kết quả. Nguyên nhân của vụ việc kéo dài là do ý kiến trái ngược nhau giữa các cấp tiến hành tố tụng với nhau và với chính quyền, tổ chức ở địa phương. Rõ ràng, can thiệp vào việc thi hành án không chỉ có cả cơ quan pháp luật mà còn có cả các cơ quan khác tại địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm chạp trong thi hành án dân sự là do hành lang pháp lý của ngành này còn nhiều bất cập, chồng chéo. Luật không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế-xã hội. Vào tháng 7-2004, Pháp lệnh thi hành án dân sự 2003 sẽ thay thế Pháp lệnh ban hành từ năm 1993 với nhiều thay đổi. Pháp lệnh mới có hiệu lực và chúng ta hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề "kinh niên" bấy lâu của ngành thi hành án dân sự: tồn đọng án.

Đình Thìn

.
.
.