Đời chợ - đời người: Mỹ Thạnh - Ngôi chợ của công nhân lao động

Thứ Tư, 08/04/2020, 21:08 [GMT+7]
In bài này
.

Chợ Mỹ Thạnh còn được biết đến với tên gọi chợ Việt kiều nằm trên địa bàn khu phố Mỹ Thạnh, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ. Hàng hóa bày bán đa dạng, giá rẻ nên chợ luôn thu hút đông người mua sắm, nhất là công nhân lao động.

Bà Nguyễn Thị Diệu hơn 40 năm bán thịt tại chợ Việt kiều.
Bà Nguyễn Thị Diệu hơn 40 năm bán thịt tại chợ Việt kiều.

NỔI TIẾNG VỚI TÊN GỌI CHỢ VIỆT KIỀU 

Chợ Mỹ Thạnh còn được gọi là chợ Việt kiều. Theo lời kể của những người sinh sống lâu năm tại đây, năm 1970, khu vực này chủ yếu là người Việt từ Campuchia hồi hương sinh sống, lập làng, lập ấp. Từ đây, tên gọi Việt kiều ra đời chỉ các khu phố Mỹ Thạnh, Phước Thạnh và Phú Thạnh (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ hiện nay). Trong đó, điểm nhấn là chợ Việt kiều. Chợ chỉ họp vào buổi chiều, ngay sát QL51, phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong vùng. 

Theo thời gian, nhiều nhà máy, xí nghiệp hình thành trên địa bàn TX.Phú Mỹ thu hút cư dân khắp nơi về làm việc và sinh sống. Nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa rộng mở hơn. Hàng ngày, cuối buổi chiều nhà máy, xí nghiệp tan tầm, lượng xe lưu thông trên QL51 nhiều, lại thêm người ra vào chợ đông đúc, hàng hóa, xe cộ tràn ra cả lòng, lề đường khiến khu vực chợ Việt kiều trở thành điểm đen mất an toàn giao thông. 

Ông Đỗ Văn Dũng, Phó Trưởng BQL chợ Mỹ Thạnh cho biết, năm 2010, để giải tỏa điểm đen trên, chợ Mỹ Thạnh được đầu tư xây mới lùi sâu vào trong khu dân cư, cách QL51 hơn 100m. Khu nhà lồng chợ chính được xây dựng kiên cố, chủ yếu là các kios kinh doanh mỹ phẩm, giỏ xách, vải, quần áo. Các quầy sạp bao quanh nhà lồng chính bố trí theo từng ngành hàng như: thực phẩm khô, ăn uống, rau - củ - quả, thịt - cá… 

Hơn 40 năm bán thịt heo tại đây, bà Nguyễn Thị Diệu (57 tuổi) cho biết, những năm mới hình thành, chợ họp chóng vánh vào cuối buổi chiều mỗi ngày. Bà bán thịt heo nhưng không ngồi cố định mà đi bán dạo. Dần dần, khu vực này đông dân cư hơn, nhu cầu mua bán tăng lên. Khi chợ Mỹ Thạnh xây mới khang trang, bà thuê mặt bằng ngồi bán cố định. “Mỗi ngày tôi bán 50kg thịt, đến hơn 17 giờ là hết. Sức mua ngày càng mạnh, nhưng tôi lớn tuổi rồi, chỉ làm kiếm đủ chi tiêu hàng ngày”, bà Diệu cho hay. 

Nhiều cửa hàng quanh chợ Mỹ Thạnh vẫn dùng địa chỉ “chợ Việt kiều” trên bảng hiệu. Ảnh: MINH HIỀN
Nhiều cửa hàng quanh chợ Mỹ Thạnh vẫn dùng địa chỉ “chợ Việt kiều” trên bảng hiệu. Ảnh: MINH HIỀN

GIÁ RẺ, CHẤT LƯỢNG 

Những ngày này, thực hiện “giãn cách xã hội” để phòng dịch COVID-19, tất cả kios, cửa hàng mỹ phẩm, thời trang trong chợ đều tạm ngừng kinh doanh đến ngày 15/4. Các gian hàng thiết yếu khác vẫn hoạt động bình thường. Hàng hóa bày bán phong phú. Từ trái cây, rau củ quả đến thịt, cá… đều đầy ắp các quầy sạp. Vài người dân địa phương có mớ rau, con gà nuôi trong vườn hay mớ cá vừa đánh bắt được cũng mang ra bán. 

Chúng tôi đến chợ đúng giờ tan tầm. Các ngả đường vào chợ vắng người hơn nhưng không khí bán mua vẫn hối hả. Ai vào chợ cũng tranh thủ mua vội món hàng cần rồi nhanh chóng rời đi. Ông Đỗ Văn Dũng cho biết, chợ họp từ 15 giờ đến 19 giờ hàng ngày, trong đó giờ cao điểm đông người đến chợ mua sắm nhất là từ 17 giờ. Khách hàng của chợ là cư dân sinh sống tại các địa bàn phường Mỹ Xuân, Phú Mỹ và xã Tóc Tiên. 

Chị Nguyễn Thị Hoa (ấp 5, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) cho biết, giá bán hàng hóa tại chợ Mỹ Thạnh thường rẻ hơn so với các chợ khác chút đỉnh, nên chiều nào trên đường đi làm về, chị cũng ghé chợ mua thực phẩm cho bữa tối. “Với 100 ngàn đồng, tôi có thể mua được 1/2kg cá đối, 1 lạng tôm nõn để nấu canh, 1kg ổi tráng miệng. Người bán hàng rất thân thiện. Nhiều người khi có mớ cá, con gà ngon còn gọi điện thoại hỏi và dành phần cho tôi”, chị Hoa nói.    

Ngoài hàng hóa thiết yếu, khi chưa thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chợ Mỹ Thạnh còn bày bán nhiều mặt hàng thời trang. Con đường dẫn từ QL51 vào chợ dài hơn 100m, cửa hàng quần áo, giỏ xách san sát hai bên. Mặt tiền nhà dân bao quanh chợ cũng cơ man quần áo, giày dép, nón mũ. Giá cả lại rất phải chăng, do chợ phục vụ cho đông đảo khách hàng là công nhân, người lao động trên địa bàn và các khu vực lân cận. Chỉ cần vài chục ngàn đồng, khách đã có thể tìm được cái áo, chiếc nón, đôi dép ưng ý.   

Điểm đáng chú ý, bảng hiệu của nhiều cửa hàng, ở phần địa chỉ hầu hết đều ghi “chợ Việt kiều, khu phố Mỹ Thạnh, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ” thay vì “chợ Mỹ Thạnh” hiện hữu. Nhiều người buôn bán tại đây chia sẻ, họ thích dùng tên chợ Việt kiều vì gợi lên cảm giác quen thuộc, dễ nhớ. Trong giao dịch, chỉ cần nhắc khu Việt kiều hay chợ Việt kiều là khách hàng dễ dàng tìm đến mà không phải mất nhiều thời gian hỏi địa chỉ. 

Bài, ảnh: MINH HIỀN

 

>>>  Ngôi chợ duy nhất ở Côn Đảo

>>> Độc đáo phiên chợ Chiều

>>> Chợ Hòa Long - Nơi tìm về ký ức tuổi thơ

>>> Nhộn nhịp chợ Long Điền

>>> Mộc mạc chợ quê Đất Đỏ

>>> Chợ Bà Tô - Độc đáo khu chợ lớn nhất phố huyện

>>> Chợ Bến Đình - Ngôi chợ làng chài lâu đời ở thành phố biển Vũng Tàu

;
.