Đời chợ - đời người: Độc đáo phiên chợ Chiều

Thứ Ba, 07/04/2020, 21:05 [GMT+7]
In bài này
.

Đến xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức), hỏi về chợ Chiều hầu như ai cũng biết. Chợ chỉ họp từ 14 đến 18 giờ hàng ngày, chủ yếu là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của người dân địa phương mang ra chợ bán.

Năm 2001, mặc dù đã được nâng cấp, đổi tên thành chợ Nghĩa Thành, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là chợ Chiều.
Năm 2001, mặc dù đã được nâng cấp, đổi tên thành chợ Nghĩa Thành, nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là chợ Chiều.

Nằm giữa 2 con đường số 35 và 37 (thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành), chợ Nghĩa Thành (người dân địa phương quen gọi bằng cái tên dân dã là chợ Chiều) chủ yếu bán các mặt hàng nông sản do chính người dân địa phương nuôi trồng như quầy chuối, quả mít, gà, vịt, mớ rau mồng tơi..., hoặc những sản phẩm do chính họ chế biến, như: dầu phộng, bánh tráng, bánh bèo, mì Quảng… 

Theo lời kể của người dân địa phương, chợ Chiều khi mới hình thành còn nhỏ hẹp, hàng quán là những chiếc lều bằng gỗ hoặc tre, mái lợp tranh. Đầu chợ là dãy hàng bán các món ăn đặc trưng của xứ Quảng, như: Mì Quảng, bánh tổ, bánh đúc, bánh bèo, cháo lòng… Những món ăn này chủ yếu do người dân xứ Quảng (Quảng Ngãi, Quảng Nam) di cư vào, nhớ món quà quê nên làm mang ra chợ bán. Bà Trần Thị Ngộ, thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành, cho biết: Vào khoảng những năm 1971-1973, người dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi di cư vào vùng đất này khai hoang, lập ấp. Cùng với việc xây dựng trường học, trạm xá, người dân cũng lập chợ để trao đổi hàng hóa. “40 năm trước, mỗi sáng sớm tôi đã gánh mì Quảng ra bán quanh khắp nẻo đường. Sau đó, tôi chuyển qua bán bánh bèo chén tại chợ Chiều. Khách hàng khi đó chủ yếu là bà con đi làm rẫy, làm đồng về ghé chợ dùng dĩa bánh bèo nóng cho ấm bụng, vừa no vừa rẻ. Nay già yếu rồi, tôi chỉ còn bán bánh bèo tại nhà”, bà Ngộ chia sẻ. 

Bà Hồ Thị Nhung (bên trái, ở thôn Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành) bán chuối ở chợ Chiều đã hơn 10 năm.
Bà Hồ Thị Nhung (bên trái, ở thôn Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành) bán chuối ở chợ Chiều đã hơn 10 năm.

Đa phần người dân ở đây làm nghề nông nên trồng được cây, trái gì, nuôi được con gì, họ đều mang ra chợ bán và mua lại thứ khác phục vụ sinh hoạt gia đình. Bà Trần Thị Liên (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành), chuyên bán rau từ khi chợ mới hình thành, cho biết: Nhà có hơn sào đất trồng các loại rau củ quả. Ngày nào tôi cũng cắt hái, khi thì mớ rau mồng tơi, rau má, lúc thì ít trái dưa leo, cà tím đem ra chợ bán cho người dân trong xã. Mỗi ngày thu được 100-150 ngàn đồng để lo cho chồng già yếu và cậu con trai hay đau bệnh. 

Theo bà Phạm Thị Thu Oanh, Trưởng BQL chợ Nghĩa Thành, ban đầu chợ Chiều được xây dựng ở khu vực ngã tư đường số 8 và đường số 35-37. Sau năm 1980, chợ Chiều được di dời về địa điểm hiện nay, cách vị trí cũ khoảng 300m. Năm 2001, chợ được đầu tư, nâng cấp là chợ loại 2 và được đổi tên thành chợ Nghĩa Thành. Trong lồng chợ có 30 ô sạp bán rau củ quả và 10 ô sạp bán hàng tươi sống với khoảng 100 tiểu thương kinh doanh. 

“Chợ Nghĩa Thành đã được đưa vào danh mục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trong năm 2020. Theo đó, chợ Nghĩa Thành sẽ được chỉnh trang, nâng cấp các ô sạp, hệ thống điện, mương thoát nước, cải tạo sân nền, làm đường dẫn vào chợ… nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Nghĩa Thành”, ông Ngô Văn Luận, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Đức thông tin thêm.

NGUYỄN VĂN TRUNG

>>>  Ngôi chợ duy nhất ở Côn Đảo

>>> Mỹ Thạnh - Ngôi chợ của công nhân lao động

>>> Chợ Hòa Long - Nơi tìm về ký ức tuổi thơ

>>> Nhộn nhịp chợ Long Điền

>>> Mộc mạc chợ quê Đất Đỏ

>>> Chợ Bà Tô - Độc đáo khu chợ lớn nhất phố huyện

>>> Chợ Bến Đình - Ngôi chợ làng chài lâu đời ở thành phố biển Vũng Tàu

 
;
.