Thí điểm cảng mở cần nhiều yếu tố đột phá

Thứ Ba, 03/05/2022, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Cảng mở nếu được triển khai hiệu quả không chỉ giúp cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) mở rộng giao thương hàng hóa mà còn thu hút các hãng tàu đến khai thác. Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm cảng mở đòi hỏi nhiều yếu tố mang tính đột phá.

CM-TV với vai trò là cảng biển đặc biệt của cả nước, cần có các chính sách đột phá phát triển. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại cảng CMIT.
CM-TV với vai trò là cảng biển đặc biệt của cả nước, cần có các chính sách đột phá phát triển. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại cảng CMIT.

Tiết kiệm 15 triệu USD/năm

Cảng mở được hiểu là cơ chế liên kết khai thác và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực CM-TV. Điều này sẽ tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến, giải quyết được các hạn chế về cầu bến, giảm chi phí logistic cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực. Ước tính, nếu 2 cảng liền kề liên kết có thể khai thác thêm bến thứ ba ở giữa và tăng thêm 50% công suất của 2 cảng với khoảng 1,2 triệu TEU/năm.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GT-VT xem xét áp dụng cơ chế cảng mở đối với 8 bến cảng gồm: TCIT, TCCT, CMIT, TCTT, SSIT, GEMALINK, SP-PSA, cảng tổng hợp và trung tâm Logistic Camil. Các phương tiện của đơn vị vận hành cảng mở sẽ được Bộ GT-VT cho phép lưu thông trên đường 965 từ cảng SP-PSA đến Gemalink và ngược lại.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan phải chấp thuận để hàng hóa luân chuyển trong cảng mở không phải làm thủ tục hải quan, không phải thực hiện thêm một lần niêm phong kẹp chì để chuyển cửa khẩu, giảm chi phí cho hãng tàu. Hoạt động của cảng mở dựa trên hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các cảng hiện hữu và dữ liệu của hải quan để bảo đảm kiểm soát hàng hóa trong cảng mở hoàn toàn chính xác.

Hàng hóa vận chuyển trong cảng mở không phải mở tờ khai chuyển tiếp và niêm phong kẹp chì một lần nữa. Đơn vị vận hành cảng mở sẽ cung cấp phương tiện vận chuyển đặc thù chạy nội bộ trong phạm vị cảng mở với thiết kế nhận diện riêng để thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và giám sát hàng hóa luân chuyển trong cảng mở. Với cơ chế này, trách nhiệm của đơn vị vận hành cảng mở tương tự như một chủ cảng, bảo đảm hàng hóa nguyên container, nguyên chì từ cảng nhận đến cảng đích trong phạm vi cảng mở.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn-SSA (SSIT) cho rằng, theo kinh nghiệm các cảng trong khu vực, quy chế cảng mở sẽ tạo cơ hội thuận lợi về kết nối, chi phí, thời gian; tạo thuận lợi chung cho khách hàng và các hãng tàu. Ngoài ra, cơ chế hợp tác giữa các cảng với nhau sẽ phát huy tận dụng nguồn lực.

Hiện 80-85%lượng hàng xuất nhập khẩu thông qua các cảng CM-TV được vận chuyển bằng xà lan, tương ứng khoảng 3,7 triệu TEU/năm được vận chuyển bằng xà lan từ CM-TV đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Chi phí vận chuyển bằng xà lan khoảng 111 triệu USD/năm. Nếu hàng hóa được kết nối thông suốt giữa các cảng thì phương tiện vận tải không phải đợi cầu tàu, tốc độ quay vòng phương tiện cao, hơn nữa sẽ khai thác tối đa tải trọng của phương tiện, hiệu quả của khai thác sẽ cao hơn, tương ứng chi phí vận chuyển sẽ giảm. Dự kiến, khi giải pháp cảng mở được thực hiện thì chi phí vận chuyển xà lan sẽ giảm khoảng 10-15%, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 15 triệu USD.

Để cảng mở thật sự “mở”

Đánh giá từ các chuyên gia cảng biển cho thấy, cảng mở được xem là lực đẩy để hệ thống cảng container nước sâu khu vực CM-TV phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, sớm trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, để cảng mở thật sự “mở” thì cần nhiều yếu tố.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho rằng: “Cơ chế cảng mở hiện tại Việt Nam vẫn đang là thí điểm, tuy nhiên rất mong Chính phủ khi áp dụng thì thực hiện giống như những cảng lớn trong khu vực và trên thế giới cho DN cũng như nhà đầu tư hạn chế rủi ro như phát sinh. Muốn thế, các cơ quan chức năng phải có quy định rõ ràng về kiểm soát hàng hóa, quản lý hải quan điện tử cũng như cơ chế rõ ràng thống nhất tạo điều kiện và áp dụng như các nước trên thế giới”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đề xuất,  CM-TV cần hệ thống chính sách về hải quan mới thay thế, bổ sung cho những quy định không còn phù hợp đối với một cụm cảng lớn chuyên về trung chuyển quốc gia và trung chuyển quốc tế như CM-TV. “CM-TV liên tục đón các “siêu tàu” mà không nhiều cảng trên thế giới có thể làm được. Vì vậy, việc áp dụng cơ chế cảng mở được kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội để CM-TV đón được tàu lớn 250 ngàn tấn theo quy hoạch hoặc lớn hơn”, ông Kỳ nói.

Cảng mở được kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường giao thương, trung chuyển hàng hóa sôi động với những ưu đãi về thuế và đa dạng các dịch vụ: mua bán, đóng gói hàng hóa, gia cố container, nối tuyến vận chuyển hàng nguyên container. Đồng thời, thu hút lượng hàng trung chuyển lớn qua Việt Nam và khu vực cảng CM-TV thay vì phải qua các quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia…
(Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh)

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, Bộ GT-VT đã gợi ý, định hướng nghiên cứu để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, DN tại địa phương nghiên cứu, làm rõ hơn lý do, sự cần thiết áp dụng thí điểm cơ chế cảng mở tại CM-TV. Trong đó, đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân khiến cảng mở thí điểm ở cảng Cát Lái không thành công.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, với vai trò là cảng biển đặc biệt của cả nước, cần có các chính sách đột phá phát triển cụm cảng CM-TV, trong đó có chính sách cảng mở. Để nâng cao hiệu quả hoạt động cụm cảng CM-TV, các bộ, ngành cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa, cần thiết nhất là đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan. Cảng mở nếu được triển khai hiệu quả không chỉ giúp CM-TV mở rộng giao thương hàng hóa mà còn giúp cảng biển Việt Nam hút các hãng tàu đến khai thác, tiến tới trở thành trạm trung chuyển quốc tế bằng đường biển.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.