.

Tương lai của đô thị Vũng Tàu nhìn từ quy hoạch

Cập nhật: 18:39, 02/03/2018 (GMT+7)

Cuối năm 2017, TP. Vũng Tàu đã hoàn thành 3 điều chỉnh quy hoạch quan trọng gồm: “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vũng Tàu nhận diện các tiềm năng và các chiến lược phát triển”, “Điều chỉnh quy hoạch đô thị” và “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020”. Theo đó, tương lai của TP. Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng không gian chủ đạo của một đô thị du lịch vùng duyên hải - đô thị sinh thái biển. 

Các điều chỉnh quy hoạch của thành phố đều dựa trên định hướng: Bảo tồn, tôn vinh giá trị khung thiên nhiên và giá trị văn hóa; phát triển thương hiệu thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế; phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và ngành phụ trợ; xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật và logistics; phát triển quỹ không gian ở đô thị và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội - đô thị…

Trong các quy hoạch của TP.Vũng Tàu, điểm nhấn chung là cấu trúc phát triển không gian đô thị tiếp tục theo hướng cơ cấu phát triển các khu chức năng đô thị theo các trục đường xương sống. Cụ thể, trục phát triển công nghiệp là đường 30-4, trục chính là đô thị 51B và trục du lịch là tuyến đường 3-2. Trục chính đô thị mới có hướng thấp dần và mở về phía biển. Hướng phát triển của không gian du lịch là vùng bờ biển phía Đông nối kết du lịch Vũng Tàu với du lịch Long Hải và Phước Tỉnh, kéo dài ra toàn vùng du lịch duyên hải Bà Rịa - Vũng Tàu, Cửa Lấp - Long Hải - Bình Châu. Cũng theo quy hoạch này, để phát triển thành đô thị du lịch vùng duyên hải, TP. Vũng Tàu sẽ dành phần lớn từ quỹ đất phi NN để phát triển hạ tầng, nối liền TP. Vũng Tàu với các tỉnh khu vực duyên hải Nam bộ thông qua hệ thống đường bộ, bến xe, hệ thống cảng, đường sắt, sân bay. Cụ thể với hệ thống cảng, TP. Vũng Tàu quy hoạch khu cảng Vũng Tàu - Sông Dinh với 8 cảng có công suất 13,65 triệu tấn/năm vào năm 2020 trong đó cảng trọng điểm là Sao Mai - Bến Đình. Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng khai thác tiềm năng cảng biển nước sâu của vịnh Gành Rái và phát triển cảng biển phù hợp với không gian công nghiệp - cảng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (khu vực sông Thị Vải - Phú Mỹ - Cái Mép phía Tây của QL51). 

Một góc khu cảng Vũng Tàu – Sông Dinh. Ảnh: QUANG VŨ
Một góc khu cảng Vũng Tàu - Sông Dinh.

TP. Vũng Tàu định hướng phát triển Long Sơn thành một đơn vị hành chính nội thị, trở thành phường và phát triển thành một trung tâm công nghiệp - đô thị mới của Vũng Tàu. Trong khi đó, Gò Găng được xác định thành một khu đô thị sinh thái mới với diện tích quy hoạch 1.350ha, dân số dự kiến khoảng 24.300 người. Trong đó, có khu vực công viên cây xanh, không gian mặt nước cảnh quan; Khu vực xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; Khu vực công viên thể thao giải trí; Khu vực sân bay Gò Găng và các dịch vụ sân bay; Khu trung tâm nghề cá tỉnh…

Để bảo đảm mục tiêu quy hoạch nói trên, trong quy hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của TP. Vũng Tàu được điều chỉnh giảm 2.681ha so với năm 2015 và chỉ chiếm 24,48% diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố; diện tích đất phi nông nghiệp sẽ tăng 3.088ha so với năm 2015, chiếm 74,17% diện tích tự nhiên; diện tích đất chưa sử dụng sẽ chỉ chiếm 1,35% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố. 

Theo phân tích của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn đề án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP. Vũng Tàu), việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để triển khai các quy hoạch khác của tỉnh. Tuy nhiên, trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đó, TP. Vũng Tàu vẫn ưu tiên giữ lại đất trồng cây lâu năm; duy trì đất rừng phòng hộ khu vực phường 1, phường 12, xã Long Sơn và đất nuôi trồng thủy sản khu vực phường 12 và xã Long Sơn để cân bằng môi trường và phát triển du du lịch sinh thái. Đặc biệt, để thực hiện phát triển theo hướng không gian chủ đạo của một đô thị du lịch vùng duyên hải - đô thị sinh thái biển đối với đất sản xuất nông nghiệp, TP. Vũng Tàu đang chú trọng vùng trồng cây lâu năm, cây ăn trái kết hợp với du lịch vườn, du lịch sinh thái…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.