.

Cần phân cấp quản lý quảng cáo ngoài trời

Cập nhật: 19:06, 28/02/2018 (GMT+7)

Hoạt động tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời là hình thức đưa thông tin đến người dân một cách trực quan có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động quảng cáo ngoài trời còn nhiều điểm bất cập, lộn xộn.

Sáng 27-2, khi dừng lại trước ngã tư Võ Văn Kiệt-Hoàng Hoa Thám (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa), chúng tôi thấy một trụ đèn bị bao bọc bởi các tờ rơi quảng cáo với đủ các loại nội dung: Bán đất, bán nhà, cho thuê phòng trọ, cho vay không thế chấp… Những hình ảnh tương tự diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, từ cột điện, tường nhà dân, thậm chí cả các trụ dưới tấm bảng hiệu “khu phố văn hóa”. Bên cạnh đó, tại các địa phương trong tỉnh, tình trạng người phát tờ rơi quảng cáo tại các ngã tư, cổng trường học cũng rất nhiều. Một số người nhận xong vô tư thả xuống đường, khiến con đường đầy rác. 

Nhiều người cho rằng, màn hình Led tại vòng xoay Co.op Mart Bà Rịa gây chói mắt, mất sự tập trung của người điều khiển phương tiện giao thông.
Nhiều người cho rằng, màn hình Led tại vòng xoay Co.op Mart Bà Rịa gây chói mắt, mất sự tập trung của người điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Lê Ngọc Vàng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Long Điền cho biết, mỗi năm vài lần, địa phương này đều tổ chức các đoàn thể, khu dân cư bóc, xóa quảng cáo trái phép trên tường nhà, cột đèn nhưng rồi đâu lại vào đó. Phòng rất khó xử phạt người vi phạm, bởi khi cán bộ Phòng liên hệ với các chủ cơ sở có quảng cáo tờ rơi thì họ lập tức cúp máy và không thể liên lạc lại được.  

Ngoài các tờ rơi, việc quảng cáo bằng pano, bảng hiệu cỡ lớn ngoài trời cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Dọc quốc lộ 51 từ huyện Tân Thành về TP.Vũng Tàu là hàng chục bảng hiệu quảng cáo, tuyên truyền kích cỡ lớn (40-60m2), chủ yếu quảng cáo các sản phẩm như: Ngân hàng, khu du lịch… và một số bảng còn để trống chưa có nội dung. Trong nội thành TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu và khu vực trung tâm của các huyện, nhiều bảng hiệu quảng cáo cũng án ngữ tại các vị trí đắc địa, tuy tập trung sự chú ý của người đi đường nhưng dễ gây “rối mắt”, mất mỹ quan đô thị. Tại các cơ sở kinh doanh, tình trạng biển hiệu, hộp đèn được đặt ngang, dọc với nhiều bảng chồng lấn lên nhau hoặc cái thò ra, cái thụt vào, độ lớn, nhỏ không đồng nhất, trông rất lộn xộn. Ngoài ra, trên các tuyến phố chính, nhiều băng rôn tuyên truyền đã hết hạn hoặc rách, bạc màu, mất chữ nhưng không được đơn vị quảng cáo gỡ xuống… 

Nguyên nhân các biển, bảng quảng cáo còn lộn xộn hiện nay là do chưa có quy hoạch cũng như sự phân cấp quản lý về quảng cáo. Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin TP.Vũng Tàu cho rằng: “Hiện tại, nhiều người dân TP.Vũng Tàu bức xúc vì sự tồn tại của 18 bảng hiệu quảng cáo trên dải phân cách dọc đường Lê Hồng Phong. Những bảng quảng cáo này được Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao) cấp phép từ năm 2007 nhưng lại không ghi rõ thời hạn kết thúc. UBND TP.Vũng Tàu đã nhiều lần đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao yêu cầu DN sớm tháo dỡ 18 bảng quảng cáo này, nhưng vẫn chưa xử lý được”. 

Các trụ quảng cáo dày đặc trên đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu.
Các trụ quảng cáo dày đặc trên đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu.

Ông Việt cũng cho biết, để có bộ mặt đô thị như hiện nay, các ban, ngành chức năng TP.Vũng Tàu đã kiểm tra, xử lý và tháo dỡ nhiều bảng hiệu, băng rôn không đúng quy định hoặc làm mất mỹ quan đô thị. “Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã tháo dỡ hơn 5.700 tấm băng rôn treo không đúng quy định, đề xuất Sở Văn hóa-Thể thao tháo dỡ, chỉnh sửa 13 bảng quảng cáo tấm lớn không bảo đảm mỹ quan và an toàn khi mưa bão. Riêng năm 2017, thành phố ra quân tháo dỡ trên 1.000 tấm bảng hiệu, xử phạt hành chính nhiều đơn vị thực hiện sai quy định về Luật Quảng cáo”, ông Việt cho biết thêm.    

Theo ông Việt, vấn đề bất cập ở chỗ, với các bảng hiệu quảng cáo lớn, việc xây dựng bảng hiệu, màn hình quảng cáo do Sở Xây dựng cấp phép, nội dung quảng cáo do Sở Văn hóa-Thể thao cấp phép, còn cấp huyện, thành phố chỉ phối hợp kiểm tra. Ngoài ra, các sở, ngành, DN chỉ xin phép Sở Văn hóa-Thể thao là có thể treo băng rôn ở bất kỳ tuyến đường nào trong đô thị. Sau khi kết thúc sự kiện, các đơn vị này thường quên luôn việc tháo gỡ băng rôn khiến địa phương phải cử người đi gỡ các băng rôn này xuống. Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần khẩn trương có quy hoạch quảng cáo. Đặc biệt, nên phân cấp thẩm quyền cấp phép quảng cáo cho các huyện, thành phố đối với những hình thức quảng cáo pano tấm nhỏ, băng rôn, tờ rơi. Điều này sẽ giúp các Phòng Văn hóa-Thông tin cấp huyện, thành phố có quyền liên hệ trực tiếp, điều chỉnh hoặc xử phạt khi các đơn vị sai phạm về quảng cáo thay vì phải thông qua các Sở khiến thời gian xử lý kéo dài, hiệu quả chưa cao.

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.