Năm 2020 toàn tỉnh có 37 xã nông thôn mới
Chiều 28-2, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2017 và đề xuất kế hoạch thực hiện chương trình trong giai đoạn 2018-2020.
Thanh long là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã nông thôn mới Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). |
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 3 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận. Trong 7 năm qua, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM giai đoạn từ năm 2011-2017 là 9.206,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động, các địa phương đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 801,337km đường giao thông nông thôn các loại; 315,09km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp; 143,97km đường điện trung, hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn; nhiều trường học được đầu tư nâng cấp trang bị đầy đủ thiết bị học tập… Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM hiện nay khoảng 39,9 triệu đồng/người/năm.
Mục tiêu trong giai đoạn 2018-2020, các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành; phấn đấu đến năm 2020 có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 37 xã; triển khai thực hiện xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí trung ương; có 3/6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM (gồm Long Điền, Đất Đỏ và TP.Bà Rịa); nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân, thu nhập bình quân đến năm 2020 đạt 59 triệu đồng/người/năm. Dự kiến tổng nguồn vốn huy động cho NTM giai đoạn 2018-2020 là 5.278,106 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tuy kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trên thực tế vẫn còn những vấn đề tồn tại mà Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh và các địa phương cần khắc phục, đổi mới. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, các địa phương xây dựng NTM phải quan tâm mục tiêu thực chất của chương trình để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM nhằm tăng huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng NTM. Đồng thời bố trí nguồn lực xây dựng NTM, ưu tiên cho mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân sau đó mới triển khai các tiêu chí còn lại; nghiên cứu, triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống ổn định bền vững cho người dân nông thôn.
Tin, ảnh: THANH TRÍ