Tiếp sức cho DN đổi mới công nghệ
Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình khuyến công, nhiều DNNVV trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Qua đó, giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đà phát triển bền vững.
Thực tế, nguồn vốn từ chương trình khuyến công hỗ trợ cho các DN khi thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất chưa hẳn đã đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho DN. Dù vậy, trong chừng mực nào đó, nguồn vốn này cũng đã góp phần không nhỏ giúp DN tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh phải huy động vốn.
Đầu năm 2017, Công ty CP Đại Hồng Sơn (TP. Bà Rịa) xây dựng dự án đầu tư 10 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung (loại bê tông khí chưng áp) công suất 70 triệu viên/năm. Để giải quyết khó khăn về vốn, tháng 4-2017, công ty đã đăng ký xin được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, và được duyệt 400 triệu đồng. “Nguồn vốn từ chương trình tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn huy động, nhưng đã góp phần giúp công ty hoàn thành dây chuyền sản xuất, tạo được sản phẩm mới chất lượng tốt, mang lại việc làm cho 40 lao động”, ông Trần Đình Thắng, Giám đốc điều hành Công ty CP Đại Hồng Sơn cho biết.
Cơ sở gia công hạt điều Minh Thùy (huyện Châu Đức) cũng được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng từ chương trình khuyến công để đầu tư 1 máy tách vỏ hạt điều, công suất 300kg/giờ. Đến nay, máy tách vỏ hạt điều này hoạt động ổn định, hiệu quả, giúp cơ sở tăng lợi nhuận. Bà Trịnh Thị Minh Thùy, chủ cơ sở cho biết: Việc đầu tư máy tách vỏ hạt điều đã giúp cho công ty từ phương thức gia công bằng thủ công chuyển sang bằng máy móc, vừa tăng năng suất, vừa tăng thêm lợi nhuận.
Đó chỉ là 2 trong số 23 đề án khuyến công được triển khai trong năm 2017, trong đó, có 4 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 800 triệu đồng; 13 đề án khuyến công địa phương với kinh phí 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn quỹ khuyến công, Trung tâm còn xây dựng mô hình trình diễn dây chuyền sản xuất gạch không nung có kinh phí 400 triệu đồng.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh nghiệm thu dự án “Hỗ trợ đầu tư máy khắc công nghiệp CNC cho Công ty TNHH Chu Lai”.
|
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh, đối với 4 đề án khuyến công quốc gia, ngay sau khi được Bộ Công thương phê duyệt, Trung tâm đã ký hợp đồng và hỗ trợ đối tượng thụ hưởng triển khai các đề án. Ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh cho biết, để tạo hiệu quả cũng như góp sức phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, các đề án khuyến công quốc gia tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chế biến điều, cơ khí, xây dựng. Các thiết bị mới được đưa vào sản xuất đã giúp DN áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, tạo thêm công việc mới. Đồng thời, tăng thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh, đối với các đề án khuyến công địa phương, do việc bố trí ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 khá trễ (từ tháng 6-2017) nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đề án. Trong năm 2018, có 40 đề án được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh triển khai, trong đó có 1 đề án khuyến công Trung ương và 39 đề án thuộc chương trình khuyến công địa phương, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa và chương trình tiết kiệm năng lượng. Để các chương trình, dự án khuyến công hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị đạt hiệu quả cao hơn nữa, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khảo sát, lựa chọn DN, cơ sở sản xuất được hỗ trợ để nguồn kinh phí khuyến công đến đúng đối tượng, giải ngân kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan để tư vấn, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất khi đầu tư mua sắm trang thiết bị...
Bài, ảnh: PHAN HÀ