Những tháng đầu năm 2018: Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng
Trong 2 tháng đầu năm 2018, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Hiện nay, nhiều DN xuất khẩu đã ký kết được hợp đồng đến cuối năm và không ngừng mở rộng thị trường. Với những tín hiệu lạc quan này, mục tiêu xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt hơn 4,4 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2017) trong năm 2018 có thể trở thành hiện thực.
NHIỀU ĐƠN HÀNG XUẤT KHẨU
Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. |
Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2017, 2 tháng đầu năm 2018, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều DN đã ký kết được các đơn hàng lớn, giá cao. Các nhóm hàng chủ lực của tỉnh đều có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó phải kể đến sự đóng góp của ngành dệt may.
Có mặt tại Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, huyện Tân Thành) những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc tất bật, khẩn trương. Trên các chuyền may, ai nấy đều chăm chú vào công việc của mình để không làm gián đoạn công việc chung của cả dây chuyền. Người cắt, người ráp, người kiểm tra sản phẩm, người đóng gói…, mỗi người một công đoạn khác nhau nhưng công việc được phối hợp nhịp nhàng. Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ cho biết: Thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của công ty là châu Âu hiện ổn định, không lo thiếu đơn hàng. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần, công ty xuất 1 lô hàng đi châu Âu, trị giá khoảng 150 ngàn USD/lô. Thời điểm này, công ty đã có đơn hàng đến tháng 9. Năm nay, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 10% doanh thu và sản lượng. Đặc biệt, ngoài các thị trường truyền thống, công ty đã ký được hợp đồng với đối tác mới ở Nga. Dự kiến, ngày 15-3-2018, công ty sẽ giao lô hàng đầu tiên (áo Jacket) trị giá 130 ngàn USD cho đối tác ở Nga.
Cùng với DN dệt may, các DN thủy sản cũng đã ký kết được các đơn hàng đến tháng 6-2018. Bên cạnh việc khai thác hiệu quả những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, các DN ngành thủy sản cũng chú trọng phát triển các thị trường tiềm năng khác như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khác.
Sản xuất linh kiện xe hơi xuất khẩu tại Công ty TNHH Dongin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ). |
Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TM-DV-SX Tứ Hải (78, Phước Thắng, TP.Vũng Tàu) cho biết: Sản phẩm cá đục phi lê của công ty đã có mặt tại Nhật Bản và Australia hơn 20 năm nay. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 10 triệu USD. 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài các sản phẩm truyền thống, năm nay, công ty đã đầu tư công nghệ để sản xuất sản phẩm mới là cá đục tẩm bột theo đơn đặt hàng của đối tác Nhật Bản. Dự kiến tháng 4 hoặc tháng 5 tới, công ty sẽ xuất 20-30 tấn cá đục tẩm bột.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu trong giai đoạn đầu của năm 2018 không chỉ dựa vào các nhóm hàng điện tử, mà còn nhờ thành tích vượt trội của nhóm hàng dệt may với kim ngạch đạt 3,831 tỷ USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 1,154 tỷ USD)…
Tại BR-VT, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô của tỉnh đạt 622,67 triệu USD, tăng 12,55% so với cùng kỳ năm 2017. Phân theo ngành hàng thì CN - TTCN vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh, với tỷ trọng chiếm 85,5% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tương đương 532,39 triệu USD, tăng 11,64% so với cùng kỳ; tiếp đến là nhóm thủy sản chiếm tỷ trọng 10,73%, với 66,83 triệu USD, tăng 17,04%; nhóm nông lâm sản chiếm 3,77%, với 23,45 triệu USD, tăng 21,88%. Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của tỉnh, chiếm tỷ trọng 65,22%, tiếp theo là châu Mỹ chiếm 10,55%, châu Âu chiếm 4,15%, châu Phi chiếm 1%.
HƯỚNG ĐẾN XUẤT KHẨU BỀN VỮNG
Sản xuất linh kiện xe hơi tại Công ty TNHH Dongin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ). |
Năm 2018, nền kinh tế trong nước và thế giới được đánh giá có những yếu tố thuận lợi để gia tăng xuất khẩu, do vậy, ngay từ đầu năm, nhiều DN xuất khẩu của tỉnh đã chủ động nắm bắt cơ hội, tập trung đẩy mạnh sản xuất, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm hàng hóa và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ cho biết: Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ nay đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu (chủ yếu là vải) nhập khẩu. Ngoài ra, các rào cản kỹ thuật đến từ các thị trường quốc tế cũng là thách thức đối với các DN dệt may. Vì vậy, để phát triển bền vững, DN dệt may phải nỗ lực cải tiến công nghệ, máy móc, đổi mới quản lý để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Công Huyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood), năm 2018 và các năm tiếp theo, thủy sản Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Do vậy, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, Baseafood sẽ nghiên cứu mở rộng xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của CPTPP.
Đánh giá của ngành Công thương cho thấy, mặc dù xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2017 đạt được kết quả khả quan, nhưng chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, xuất thô và phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, để xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng bền vững, cần phải cải thiện chất lượng trong hoạt động xuất khẩu. Việc này đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN nhỏ và vừa...
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018, ngoài đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức và DN, Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư sản xuất, tạo ra thêm sản phẩm và dịch vụ để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tăng cường thông tin thị trường, tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung các hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ DN ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài… |