Sớm chấm dứt việc dùng fibro xi măng nuôi hàu
Mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng hiện nay, nhiều người dân tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) vẫn tiếp tục sử dụng những tấm lợp fibro xi măng có nhiều nguy hại cho môi trường làm giá thể nuôi hàu. Và nghiêm trọng hơn nữa là sau khi thu hoạch hàu thương phẩm, người nuôi đổ bỏ những tấm giá thể fibro xi măng xuống lòng sông và tại các bãi đất trống trên địa bàn. Việc làm này đã và đang dẫn đến nhiều nguy cơ…
ĐỔ BỎ BỪA BÃI TẤM LỢP FIBRO XI MĂNG
Đa phần người nuôi hàu hiện nay vẫn sử dụng tấm lợp fibro xi măng để làm giá thể. Trong ảnh: Ông Trần Văn Minh (thôn 4, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) chuẩn bị các giá thể làm bằng fibro xi măng cho vụ hàu mới. |
Xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu là địa phương tập trung nhiều hộ nuôi hàu nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện nay, trên toàn xã có 553 hộ nuôi hàu, với khoảng 90ha; trong đó 80% người dân sử dụng tấm lợp fibro xi măng để làm giá thể nuôi hàu, với số lượng gần 300.000 tấm fibro xi măng mỗi vụ.
Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non tự nhiên bám vào (cho thu hoạch sau 1-1,5 năm). Với cách làm này, hàu bám rất nhiều, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ mau hư hỏng, người nuôi thường xuyên phải thay mới, gây tốn kém. Bên cạnh đó, khi hàu phát triển mạnh, nhiều cọc tre, gỗ hay bị gãy đổ, khiến người nuôi thất thu. Từ thực tế này, năm 2008, khi phát hiện con hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt nên bà con đã đổ xô đi mua tấm lợp fibro xi măng về làm giá thể nuôi hàu mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Bình, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng mùa sinh sản của hàu, các tấm lợp fibro xi măng được thả xuống sông để hàu non bám vào. Sau khi thu hoạch hàu thương phẩm, phần lớn những giá thể là các tấm lợp fibro xi măng dùng để hàu bám vào thường được chở ra chỗ nước sâu đổ bỏ thẳng xuống sông. Thêm vào đó, những năm gần đây, tình hình nuôi trồng thủy sản trên sông nói chung, nuôi hàu nói riêng gặp nhiều khó khăn, số lượng hàu nuôi bị chết nhiều. Khi hàu bị chết, người nuôi thường không thu dọn bãi hàu, khiến hàng trăm ngàn tấm giá thể bằng tấm lợp fibro xi măng nằm ngổn ngang trên bãi. “Việc đổ bỏ những tấm fibro xi măng sau khi thu hoạch hàu thương phẩm một cách bừa bãi chính là nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, làm thay đổi dòng chảy, thủy triều, làm biến dạng các con rạch… Đồng thời, tích tụ các cặn bã gây ô nhiễm môi trường và tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản hiện nay, ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng thủy sản của người dân khu vực xã Long Sơn những năm qua”, ông Bình cho biết.
Ngoài ra, theo Trung tâm Công nghệ môi trường (Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), qua nghiên cứu cho thấy, việc ngâm tấm lợp fibro xi măng trong nước sẽ tạo ra chất lưu huỳnh và một số hóa chất độc hại khác, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loại thủy, hải sản.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi hàu vẫn không biết được mối nguy hại từ việc sử dụng các tấm fibro xi măng gây ra. Ông Phạm Văn Hào, người nuôi hàu trên địa bàn xã Long Sơn cho biết, sau khi thu hoạch hàu thương phẩm, phần lớn những tấm lợp fibro xi măng dùng để hàu bám vào thường được chở ra chỗ nước sâu đổ bỏ thẳng xuống sông, hoặc tìm bãi đất nào sát bìa rừng để đổ bỏ.
CẦN SỚM THAY ĐỔI GIÁ THỂ NUÔI HÀU
Trước thực trạng này, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi hàu trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng. Khuyến cáo người dân việc đổ bỏ bừa bãi các tấm giá thể fibro xi măng sau khi nuôi hàu sẽ tác hại trực tiếp, lâu dài đến môi trường nuôi của chính người dân. Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, Chi cục Thủy sản tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật nuôi hàu để nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các loại giá thể nuôi an toàn và thân thiện với môi trường như: Gỗ, dây cước, sử dụng vỏ hàu đã thu hoạch... Những giá thể này dễ làm và không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xuất hiện mô hình nuôi hàu giống Thái Bình Dương. Con giống hàu Thái Bình Dương được cấy sẵn lên các giá thể chính là vỏ hàu đã khai thác lấy ruột, không phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất, sản lượng ổn định. Mặt khác, hàu có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 7-8 tháng nuôi là cho thu hoạch, có khả năng thích ứng tốt tại vùng nuôi, đồng thời không gây ô nhiễm cho môi trường. Theo một số hộ dân nuôi thử nghiệm hàu Thái Bình Dương trên địa bàn xã Long Sơn, giống hàu Thái Bình Dương ít bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm của môi trường nước như hàu tự nhiên. Khi gặp nước sông ô nhiễm thì hàu ngậm miệng lại, tự ăn sữa bên trong vỏ. Do không tiếp xúc nhiều với nước ô nhiễm nên hàu không bị chết hàng loạt. Nuôi loại hàu này ban đầu chi phí đầu tư cao, cần nhiều lao động nhưng thu hoạch nhanh, giá bán ổn định, đặc biệt là an toàn với môi trường nuôi và an toàn đối với người sử dụng hàu thương phẩm. Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, hiện trên địa bàn xã có gần 40 hộ nuôi hàu Thái Bình Dương trên diện tích 26ha. Đây là mô hình mới cần được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao phương pháp nuôi tới người nuôi hàu trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Chi cục cũng đã đề nghị Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nhân tạo giống hàu cửa sông nhằm cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi thay vì phụ thuộc vào nguồn giống hàu tự nhiên như hiện nay. Đồng thời, khuyến khích các đề tài, dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các loại vật liệu nuôi mới, thân thiện với môi trường nhằm từng bước thay thế các loại vật liệu như hiện nay.
Bài, ảnh: CÁT TƯỜNG