.

Cẩn trọng khi mua hàng trên mạng

Cập nhật: 17:34, 09/03/2018 (GMT+7)

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, một số bạn đọc gửi thư, gọi điện đến tòa soạn Báo Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh về việc họ bị lừa khi mua hàng trên mạng. Cụ thể, sản phẩm được quảng cáo rất đẹp, tốt nhưng thực tế khi nhận hàng lại khác xa so với hình ảnh, lời giới thiệu được đăng tải. 

TRẢ TIỀN THẬT, MUA NHẦM HÀNG DỎM

Quảng cáo các sản phẩm may mặc, mỹ phẩm trên mạng (ảnh mang tính minh họa). 
Quảng cáo các sản phẩm may mặc trên mạng (ảnh mang tính minh họa).

Chị Nguyễn Hồng Nguyên (ngụ ở khu phố 5, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) cho biết, mới đây, thấy trên trang facebook Yotishop quảng cáo bán các loại quần áo thời trang công sở mẫu mã đẹp, giá hợp lý nên chị đã đặt mua 1 bộ vest. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị Nguyên không khỏi sững sờ vì chiếc áo vest ngắn cũn cỡn, không giống như mẫu quảng cáo, chất liệu vải lại xấu, khiến chị thất vọng. “Tưởng rằng sẽ mua được bộ vest đẹp để mặc, nào ngờ nhận được bộ đồ không như mong đợi”, chị Nguyên ngán ngẩm.  

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hằng (ngụ ở khu phố Vạn Hạnh, TT.Phú Mỹ, huyện Tân Thành) cũng thất vọng khi mua hàng trên mạng. Chị Hằng cho hay, vừa rồi, chị có đặt mua mỹ phẩm trên mạng. Theo lời quảng cáo của trang bán hàng “Mỹ phẩm cao cấp” thì các sản phẩm của họ được nhập hoặc xách tay về từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Tin tưởng shop bán hàng online này, chị Hằng đặt mua 1 chai xịt khoáng Avene của Pháp loại 300ml giá 395 ngàn đồng/chai. Nhưng khi nhận hàng, chị Hằng thấy trên bao bì sản phẩm không có bất cứ thông tin về đơn vị nhập khẩu cũng như tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo quy định, sản phẩm dùng không thấy hiệu quả. Nghi hàng Trung Quốc, chị Hằng gọi điện vào số điện thoại liên hệ khi đặt hàng thì không nhận được phản hồi!

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG QUA MẠNG

Quảng cáo các sản phẩm may mặc, mỹ phẩm trên mạng (ảnh mang tính minh họa). 
Quảng cáo các sản phẩm may mặc, mỹ phẩm trên mạng (ảnh mang tính minh họa). 

Hiện nay, việc kinh doanh mua bán qua mạng đã được pháp luật quy định và có chế tài xử phạt. Cụ thể như, Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 185/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 124/2015 bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 185/2013... Theo đó, DN tự chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng sản phẩm đăng trên website bán hàng của mình. 

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Hoàng Văn Định, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: Hiện nay, theo quy định tại Luật Quảng cáo, Sở TT-TT được phân công trách nhiệm quản lý hoạt động quảng cáo sản phẩm kinh doanh trên mạng. Nhưng việc quản lý cũng chỉ mới dừng lại ở khâu hậu kiểm, tức là theo dõi, xử lý các vụ vi phạm đã được phản ánh. Ngoài ra, việc xử lý các trang mạng vi phạm cũng gặp khó khăn do địa chỉ website không rõ ràng, cụ thể. “Các trang website có địa chỉ trên địa bàn tỉnh thì quản lý dễ dàng hơn, còn ở ngoài địa phương thì gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hoàng Văn Định nói.

Trước thực trạng nêu trên, Sở TT-TT đã làm việc với Sở Công thương để bàn các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng. Theo đó, trong thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra các hoạt động quảng cáo, chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa kinh doanh online. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho các DN kinh doanh online trên địa bàn tỉnh và nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. 

“Khi chọn mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về đối tượng, địa chỉ bán hàng và chỉ nên mua hàng trên những trang web hợp pháp, đầy đủ thông tin. Đồng thời, chọn những nhà cung cấp, bán hàng có uy tín, thương hiệu. Ngoài ra, người mua nên thỏa thuận giá cả cụ thể, xem hàng thực tế trước khi mua, hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro”, ông Hoàng Văn Định khuyến cáo.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.