.

DN cần chủ động trước cơ hội và thách thức từ CPTPP

Cập nhật: 17:35, 09/03/2018 (GMT+7)

Rạng sáng 9-3 (theo giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile (Chile) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà, bà Michelle Bachelet. Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN Bà Rịa - Vũng Tàu  nói riêng, cả nuóc nói chung cần chủ động trước cơ hội và thách thức từ CPTPP.

CƠ HỘI PHÍA TRƯỚC

Theo các chuyên gia kinh tế, các DN chế biến thủy sản của VN sẽ có thêm cơ hội mở rông thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến thủy sản tại Công ty Baseafood. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Theo các chuyên gia kinh tế, các DN chế biến thủy sản của VN sẽ có thêm cơ hội mở rông thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến thủy sản tại Công ty Baseafood. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Theo Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH-ĐT (đơn vị trực tiếp thực hiện đánh giá tác động của CPTPP), CPTPP có thể giúp GDP của nước ta tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD và có thể tăng tới 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Mặt khác, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua CPTPP giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, có thể thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn. Cùng với đó là cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, bởi nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu trọng điểm như dệt may, da giày, đánh bắt cá gia tăng... sẽ dẫn tới việc mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề. Đối với các DN Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ giúp các DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản... của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.  Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU 
Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ giúp các DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản... của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU 

Đánh giá về các thách thức của CPTPP với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các chuyên gia kinh tế nhận định văn kiện này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, DN Nhà nước... Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. Tất cả tạo ra sức ép to lớn trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP.

Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của DN Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.

HƯỚNG ĐI CỦA DN

Dệt may là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi CPTPP có  hiệu lực. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ trong giờ sản xuất. Ảnh: VÂN ANH
Dệt may là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ trong giờ sản xuất. Ảnh: VÂN ANH

Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng được các lợi ích và khắc phục những khó khăn nêu trên, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Các DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ. Với việc CPTPP được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các nước Canada, Mexico, Nhật, Úc… cho DN. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu thị trường các nước tham gia CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước này trong thời gian tới”.

Theo ông Nguyễn Công Huyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood), hiện nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có những nước tham gia CPTPP. Khi CPTPP có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm mạnh, giúp hàng hóa của DN rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất. Thời gian tới, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, Baseafood sẽ chủ động nghiên cứu các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 ngàn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

 

.
.
.