.

Nông dân khấm khá nhờ trồng mít Thái siêu sớm

Cập nhật: 17:34, 09/03/2018 (GMT+7)

Mít Thái siêu sớm là loại cây ăn trái dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế khá. Hiện nay, mô hình trồng mít Thái siêu sớm của một số nông dân ở huyện Châu Đức cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/ha.

Ông Lê Huy Khánh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thu hoạch mít Thái siêu sớm.  
Ông Lê Huy Khánh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thu hoạch mít Thái siêu sớm.  

Vườn mít Thái siêu sớm của gia đình ông Lê Huy Khánh (thôn 4, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) nằm ven đường Hội Bài - Phước Tân. Do nằm trên trục đường chính nối TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến huyện Xuyên Mộc nên vườn mít Thái siêu sớm của gia đình ông Khánh luôn thu hút nhiều du khách ghé vào tham quan, chụp hình và mua mít về làm quà, sau chuyến du lịch đến BR-VT. 

Ông Lê Huy Khánh cho biết, hiện nay, ông đang chăm sóc gần 3ha mít Thái siêu sớm, trong đó 1,5ha mít 6 năm tuổi hiện đã cho trái ổn định, số còn lại 3 năm tuổi cũng bắt đầu cho thu hoạch nhưng chưa nhiều. Vụ mít năm nay, trái tuy đậu ít hơn năm ngoái, nhưng giá bán lại cao (hơn 30.000 đồng/kg loại I, 20.000 đồng/kg loại II) nên ông vẫn có thu nhập khá. Đến thời điểm này, ông đã thu hoạch được khoảng 20 tấn mít, đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 300 triệu đồng. “Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tôi xuất bán được hơn 3 tấn mít với giá 40.000 đồng/kg cho các thương lái để xuất sang thị trường Trung Quốc”, ông Khánh hồ hởi cho biết.

Theo ông Khánh, người trồng mít Thái siêu sớm cần chú trọng bón phân chuồng, kết hợp phân hóa học liều lượng hợp lý để mít có cơm vàng, ngọt, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, cứ 2-3 ngày, các thương lái từ TP.Bà Rịa lại lên tận vườn nhà ông thu mua. Mít được thu hoạch liên tục từ tháng 7 năm trước đến tháng 5 năm sau.

Bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn mít Thái siêu sớm của gia đình. 
Bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn mít Thái siêu sớm của gia đình. 

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chỉ trồng 2 sào mít Thái siêu sớm (110 cây 8 năm tuổi), nhưng mỗi năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Theo những người trồng mít, đúng như tên gọi, mít Thái siêu sớm nhanh cho trái và đậu trái quanh năm. Chỉ 12 - 15 tháng sau khi trồng là cây đã bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, với cây 1 năm tuổi, dù trái ra nhiều nhưng người trồng nên tỉa bỏ, chỉ để một trái để bảo đảm cho cây phát triển khỏe mạnh và trái to. Đến năm thứ tư, năng suất trái có thể đạt hơn 20 tấn/ha. Giá bán mít cũng khá cao, lúc cao điểm như dịp Tết Mậu Tuất vừa qua lên đến 40.000 đồng/kg, còn trung bình cả vụ khoảng 20.000 đồng/kg.

Ông Phạm Tiến Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Rao cho biết, cùng với nhiều loại cây có múi như: cam sành, bưởi da xanh, quýt…, hiện nay, mít Thái siêu sớm đã được một số hộ nông dân trồng trên địa bàn nhưng chưa nhiều, chỉ khoảng 50ha. Thực tế cho thấy, cây mít Thái siêu sớm đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, cây mít Thái siêu sớm dễ trồng, dễ chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật cao và giá trái hấp dẫn nên nhiều hộ trên địa bàn huyện đã trồng loại cây này, tập trung chủ yếu ở các xã: Suối Rao, Suối Nghệ, Đá Bạc, Bình Ba… với tổng diện tích 220ha. Với giá mít khá cao như hiện nay, dự báo diện tích trồng mít sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không theo quy hoạch, chắc chắn cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá rẻ và hàng loạt hệ lụy khác. “Do vậy, bà con nông dân nên thận trọng, không nên trồng ồ ạt, rất dễ rơi vào tình trạng được mùa mất giá như nhiều loại nông sản khác trong những năm qua”, ông Lê Thanh Liêm khuyến cáo.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 

.
.
.