.
Giá dịch vụ du lịch biển:

Đã đến lúc phải điều chỉnh

Cập nhật: 07:07, 27/05/2007 (GMT+7)

Phao bơi loại lớn vẫn giữ nguyên giá cho thuê là 20.000 đồng/cái trong khi loại trung và nhỏ được điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng/cái

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch biển thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh vừa có cuộc họp nhằm rà soát và điều chỉnh giá cho thuê một số dịch vụ tắm biển và dịch vụ du lịch biển. Theo các doanh nghiệp, mức giá dịch vụ được ban hành từ năm 2002 đến nay đã không còn phù hợp, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ phục vụ du khách không được đảm bảo.

GIÁ ĐẦU VÀO TĂNG CAO

Theo ông Đoàn Thế Long, Chánh văn phòng Công ty liên doanh Vũng Tàu – Paradise, từ năm 2002 đến nay, mức lương và thu nhập của người dân đã được điều chỉnh tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, giá cả một số yếu tố đầu vào của các dịch vụ phục vụ du lịch như nhân công, điện, nước, xăng dầu, dù, ghế bố, lá lợp nhà (loại nhà chòi trên bờ biển cho du khách thuê)… đều tăng. Ông Long đưa ra dẫn chứng: “Vài năm trước, một thiên (1.000) lá chỉ có giá khoảng 800.000 đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên 1,1-1,2 triệu đồng. Nếu cứ để mức giá cho thuê theo như quy định hiện nay thì chúng tôi không có tích luỹ để tái đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ du khách”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thường xuyên phải nâng cấp, thay mới các loại dù, ghế bố, nhà bạt… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách về chất lượng dịch vụ. Mỗi lần thay mới, nâng cấp là mỗi lần những vật dụng này đều tăng giá. “Trong dịp lễ vừa rồi, chúng tôi chỉ muốn thu thêm một số dịch vụ chừng 2.000 đồng như dù, ghế bố, tắm nước ngọt để bù vào trả công nhân viên nhưng cũng không dám vì sợ bị phạt”- ông Long nói.

Ông Tr ần Tuấn Việt- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết thêm, hiện nay ở các khu du lịch đã đưa vào hoạt động thêm một số vật dụng phục vụ hoạt động tắm biển và du lịch biển mới nhưng chưa có trong danh mục các loại hình kinh doanh trước đây nên rất khó áp dụng giá. Chẳng hạn như loại nhà lá (dạng độc lập), ghế bố VIP trong nhà ngói, ghế bố trong sảnh nhà hàng, lều, bạt… được bố trí một không gian riêng cho du khách, hiện không có trong danh mục. Vì thế, khi một số doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng lại chênh so với quy định của Nhà nước thì bị các lực lượng chức năng bắt bẻ, xử phạt, khiến doanh nghiệp rất bức xúc. Theo ông Việt, nguyện vọng điều chỉnh giá một số dịch vụ biển như hiện nay của các doanh nghiệp là hợp lý, nhưng vấn đề là tăng giá bao nhiêu, tăng như thế nào để đảm bảo quyền lợi của cả du khách lẫn doanh nghiệp, đồng thời phải có sự đồng thuận cao giữa các hội viên.

GIÁ DỊCH VỤ CŨNG PHẢI TĂNG

Giá nước liên tục tăng nhưng các doanh nghiệp chỉ kiến nghị tăng thêm 2.000 đồng/lượt đối với người lớn

Theo ông Trần Tuấn Việt, bảng giá các loại hình dịch vụ ban hành kèm theo thông báo số 250 ngày 12-12-2006 của UBND tỉnh hiện nay đã không còn phù hợp vì cơ bản vẫn áp dụng theo biểu giá cũ, thậm chí còn áp dụng theo giá một số dịch vụ của khu du lịch Biển Đông như hồ bơi Dolphin, hồ bơi Seagull… Theo bảng giá này, giá giữ xe đạp và xe máy tại các điểm du lịch chỉ là 1.000 và 2.000 đồng/lượt. Trong khi đó, đặc thù của dịch vụ giữ xe tại các bãi tắm biển khác với giữ xe ở chợ. Có nhiều du khách gửi xe để tắm biển cả ngày, lại có người gửi cả nón bảo hiểm… nên giá như vậy là không hợp lý. Một số đơn vị giữ xe đã không thể thuê được người giữ xe vì giá quá thấp, không đủ trả công họ. Mới đây, trong cuộc họp tổng kết tình hình lễ 30-4 và 1-5, ông Vương Quang Cần, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, ông đã từng xuống kiểm tra trực tiếp tại các bãi giữ xe thì thấy có du khách trả tới 5.000 đồng/chiếc xe máy. Khi ông hỏi nguyên do, vị khách nọ cho rằng trả như vậy cũng xứng đáng vì là ngày lễ và mặt bằng giá các loại hàng hoá đều tăng…

Theo bảng đăng ký giá các loại dịch vụ biển năm 2007 của Hiệp hội Du lịch tỉnh, một số loại dịch vụ đã được điều chỉnh tăng thêm từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng cho phù hợp như dù biển, tắm nước ngọt người lớn tăng thêm 2.000; ghế bố tăng từ 10.000 đồng/chiếc lên 20.000 đồng/chiếc. Giá giữ xe máy điều chỉnh tăng lên 3.000 đồng/chiếc. Giá thuê một số loại ca nô, Môtô Jetsky được đề nghị điều chỉnh tăng cao nhất, tăng từ 100.000 lên đến 200.000 đồng/giờ. Lý giải nguyên nhân tăng giá cho thuê ca nô và môtô Jestky, ông Trần Tuấn Việt cho rằng, thời gian qua, một số khu du lịch không được điều chỉnh tăng giá cho thuê ca nô và môtô trong khi giá xăng tăng cao nên một số đơn vị phải bỏ, không phục vụ loại hình này. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có trang bị thêm ca nô và môtô Jetsky mới, với phân khối lớn hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn và hấp dẫn hơn. Bảng đăng ký này cũng dự kiến được điều chỉnh tăng giá dịch vụ 30% trong các dịp lễ, tết đối với một số loại hình dịch vụ.

Các doanh nghiệp tham dự cuộc họp đều thống nhất điều chỉnh tăng giá ở mức vừa phải nhưng cũng không thấp quá để còn tái đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cho phù hợp yêu cầu văn minh, hiện đại trong kinh doanh du lịch. Ông Trần Tuấn Việt bày tỏ băn khoăn, liệu mức giá điều chỉnh mới có được du khách chấp nhận? Các doanh nghiệp đều khẳng định, du khách cấp nhận với điều kiện chất lượng dịch vụ phải bảo đảm và giá phải được niêm yết rõ ràng.

Được biết, kiến nghị điều chỉnh giá của Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đã được ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương và yêu cầu phải tham khảo giá dịch vụ của một số địa phương bạn như Bình Thuận, Nha Trang sao cho hợp lý. Ông Trần Tuấn Việt cho biết, Hiệp hội sẽ tổ chức chuyến khảo sát giá tại hai địa phương này để có cơ sở điều chỉnh cho phù hợp trình UBND tỉnh chấp thuận.

Bài, ảnh: Tô Huyền