.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ : XU THẾ TẤT YẾU CỦA HỘI NHẬP

Cập nhật: 08:55, 30/06/2005 (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ thông tin tại Ngân hàng HSBC ở TP. HCM

Ngày 29-6, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo "Thương mại điện tử và doanh nghiệp". Có khoảng 400 doanh nghiệp (DN) tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh trong khu vực đã tham dự hội thảo này. Theo nhận định của các chuyên gia thương mại điện tử (tức các hoạt động thương mại thông qua các phương tiện thông tin kỹ thuật số như Internet- TMĐT) là một xu thế tất yếu của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, TMĐT vẫn chưa thực sự phát triển.

TMĐT- MÔ HÌNH CỦA TƯƠNG LAI!

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty QNT, TMĐT chắc chắn sẽ là một mô hình hoạt động trong tương lai. Nhưng để thực hiện được nó, các DN cần phải tự rà soát lại gần như toàn bộ cơ cấu hoạt động của mình, đồng thời phải chấp nhận sự thay đổi để thích ứng với nó. Ông Phúc cho rằng, có 3 lý do để thay đổi là công nghệ thông tin, quản trị chiến lược và sự cạnh tranh đa phương. Khi đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta phải thay đổi cho phù hợp và thích ứng với các bản sắc tiêu dùng khác nhau của nhiều thị trường khác nhau. TMĐT tạo ra nhiều cơ hội cho chúng ta lựa chọn với thị trường mở rộng, thông tin nhiều, các giao dịch và lợi nhuận cũng nhiều hơn. "Nhưng nếu không kiểm soát được vị trí, không có một chiến lược cạnh tranh rõ ràng, khôn khéo, các DN sẽ phải đối mặt với rủi ro và mất mát"- ông Phúc nói.

TMĐT có đặc điểm ưu việt hơn so với hoạt động thương mại truyền thống là nhờ vào công nghệ thông tin, khách hàng có thể góp ý, phê bình hay đặt ra yêu cầu đối với nhà sản xuất từ bất cứ đâu một cách nhanh chóng. Nhưng nó cũng đòi hỏi DN phải không ngừng đổi mới, cập nhật thông tin và sự cạnh tranh cũng quyết liệt hơn vì nếu chậm thì DN sẽ mất cơ hội và phải trả giá. Tầm ảnh hưởng của TMĐT cũng rất lớn vì với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thế giới sẽ trở nên gần gũi nhau, cho phép các DN có xu hướng đa dạng hoá thị phần, chiếm được lợi thế hơn các DN còn vướng mắc chiến lược hướng nội. Trong tương lai, khi Internet trở nên thông dụng và mang tính phổ cập thì TMĐT sẽ trở nên cần thiết hơn nữa. Hiện TMĐT đang được Chính phủ khuyến khích do chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO.

TMĐT: CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Theo "Báo cáo hiện trạng TMĐT 2004" của Vụ TMĐT- Bộ Thương mại, có hơn 25% DN đã xây dựng website, 16% DN có dự án phát triển TMĐT; 100% DN đã sử dụng email trong các giao dịch kinh doanh; 54% DN đã thiết lập website để bán hàng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng qua web. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động TMĐT tại Việt Nam.

Mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT là sẽ có 80% DN Việt Nam hiểu biết và ứng dụng TMĐT; 10% hộ gia đình, cá nhân mua sắm qua mạng (B2C – hình thức mua bán giữa doanh nghiệp với khách hàng); 20% mua sắm công thực hiện qua mạng (B2G); 60% DN lớn tiến hành giao dịch (B2B- doanh nghiệp với doanh nghiệp).

Tuy nhiên, theo ông Louis Nguyễn, Giám đốc điều hành công ty Vinacapital, hoạt động TMĐT tại Việt Nam còn gặp nhiều thử thách như sự phát triển của Internet còn hạn chế; thiếu những thoả thuận mà tạo nên sự tin tưởng; tập quán giao dịch sử dụng giấy tờ và con dấu vẫn còn phổ biến. Bên cạnh đó, khi tham gia vào TMĐT, các DN cũng gặp khó khăn về chi phí, thời gian thiết kế, tiếp thị, bảo trì trang web. Một hạn chế khác cũng cản trở cả nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt Nam sử dụng TMĐT là hạ tầng viễn thông còn thiếu và đắt, trong khi chất lượng lại thấp như tốc độ chậm, nghẽn mạch. Hơn nữa, nhận thức về TMĐT của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng còn thấp cũng như hành lang pháp lý cho hoạt động còn chưa đầy đủ. Hiện chúng ta mới đang xây dựng Luật Giao dịch Điện tử (dự kiến thông qua vào tháng 10 - 2005).

Để phát triển TMĐT ở Việt Nam, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ DN khi tham gia TMĐT cũng như các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và kinh doanh. Kế hoạch xây dựng các chuẩn về TMĐT cần dựa trên các tiêu chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, tránh tình trạng để các DN tự phát triển dẫn tới các mâu thuẫn không đáng có.

Đức Tiện

.
.
.