.

CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG: TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH

Cập nhật: 08:50, 22/06/2005 (GMT+7)
Nếu có vốn và được cung cấp thông tin ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh sẽ có mức tăng trưởng khá hơn. Trong ảnh: Phân xưởng đan len của Công ty TNHH Hy Vọng

5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp địa phương (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tập trung chủ yếu vào khu vực dân doanh. Tuy nhiên, ngành CN-TTCN địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu thông tin…

Những năm qua, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1996-2004, tăng bình quân hơn 16%. Riêng 5 tháng đầu năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1.278 tỷ đồng (tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2004). Thành phần kinh tế công nghiệp ngoài quốc doanh có vai trò khá quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể phát triển cho thấy, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đã có mức tăng trưởng đáng kể. 5 tháng đầu năm 2005, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.067 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng so với yêu cầu; nhiều tiềm năng thế mạnh của địa phương vẫn chưa được khai thác sử dụng, lực lượng lao động đang dôi dư, thiếu việc làm, chưa hình thành các ngành nghề truyền thống địa phương… Một trong những nguyên nhân trên là do thiếu vốn, thiếu thông tin nhất là các thông tin về kinh tế, pháp luật, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất… Mặt khác, Nhà nước cũng chưa tổ chức ra một cơ quan chuyên trách thực thi chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội đầu tư sản xuất.

Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế này phát triển nhanh, ngày 31-12-2004, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công nghiệp) được thành lập, đến ngày 19-5-2005 thì chính thức đi vào hoạt động. Bà Trần Kim Thu, Giám Trung tâm khuyến công, cho biết: Việc thành lập trung tâm khuyến công tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất CN-TTCN hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời tư vấn các lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp được tập trung và nhanh chóng hơn, giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư… Ngoài ra, Trung tâm là cầu nối giữa doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế với các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, được tiếp cận với các quy trình công nghệ mới, các sản phẩm công nghiệp phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh và khu vực.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Trung tâm khuyến công sẽ điều tra thực trạng hoạt động các doanh nghiệp trong lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn tỉnh về các ngành nghề, lực lượng lao động, thị trường tiêu thụ… từ đó có định hướng và giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, các ngành chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất CN-TTCN nằm trong diện phải di dời vào địa điểm tập trung. Đồng thời, có chính sách, chế độ ưu đãi cho các tổ chức đào tạo nghề ở các cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Thảo

.
.
.