CHUYỂN CÁC TỔNG CÔNG TY SANG MÔ HÌNH TẬP ĐOÀN KINH TẾ: LIỆU CHỈ LÀ "RƯỢU CŨ BÌNH MỚI" ?
Tình trạng một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đặc biệt là các Tổng công ty (TCT) 91 thời gian qua đã biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh để hưởng lợi vẫn chưa được cải thiện đáng kể... Thì nay, với việc đưa một số TCT này sang hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, xét về bản chất, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn phải chăng sự chuyển đổi này cũng chỉ là hình thức "rượu cũ bình mới".
DNNN trong đó các TCT đóng vai trò chủ lực được xem là xương sống của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, nhìn vào bức tranh hoạt động- sản xuất kinh doanh của các DN này thời gian qua bên cạnh những mặt đã làm được vẫn còn không ít vấn đề đặt ra. Dù cho một số tổng công ty (điển hình như 18 TCT 91) chiếm lĩnh gần như tuyệt đối thị trường nội địa, có vai trò điều tiết hết sức quan trọng đến sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, như TCT Điện chiếm đến 94% sản lượng điện cả nước; TCT than chiếm 97% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa; TCT xi măng chiếm 59% sản lượng tiêu thụ nội địa, nhưng vẫn chưa làm tốt chức năng của mình đúng như mục tiêu và kỳ vọng khi thành lập các TCT này.
Là xương sống, là trụ cột của nền kinh tế, luôn luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng ở lĩnh vực điều tiết và bình ổn thị trường, vai trò của các TCT này rất lu mờ. Sự bất lực của TCT điện lực Việt Nam trong việc điều tiết thị trường điện trước biến cố miền Bắc bị khủng khoảng điện tiêu thụ thời gian qua là một trong những ví dụ sinh động. Dẫu có ai đó nói rằng đây là một trong những trường hợp bất khả kháng, nhưng đi sâu vào vấn đề mới thấy (ngành điện cũng công nhận) là chưa hề tính toán đến trường hợp (quá hạn hán) để tìm cách đối phó và nằm ngòai dự đoán của EVN. Và do đó, thực chất của vấn đề tăng trưởng với tốc độ cao trong suốt những năm qua phần nào cũng do sự tăng trưởng chung của nền kinh tế và sự độc quyền mang lại.
Đây chỉ là một trong những hạn chế xét trên phương diện điều tiết và bình ổn thị trường, còn ở lĩnh vực vốn, công nghệ và trình độ quản lý thì khó có thể biến các TCT hiện nay thành các tập đoàn kinh tế một sớm một chiều được. Theo cách hiểu nôm na, tập đoàn kinh tế là những tập đoàn hoạt động đa chức năng, trên nhiều lĩnh vực có tiềm lực tài chính lớn… như tập đoàn Simen của Đức chẳng hạn. Còn ở Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các TCT công đều có nguồn vốn ít, cao nhất cũng trên 1.000 tỷ đồng như EVN, lại đang trong tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển… nếu biến các TCT này thành tập đoàn, xét cho cùng cũng chỉ là hình thức.
Về vấn đề này, cũng như việc Chính phủ đang tiến hành lựa chọn 6 TCT thí điểm thành tập đoàn kinh tế, theo TS Trần Xuân Lịch – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu cho phép thí điểm các Công ty trên sang mô hình tập đoàn, phải đảm bảo cho được bản chất của TCT hiện nay theo đúng mô hình tập đoàn với những cơ chế chính sách phù hợp. Trong nền kinh tế thị trường, khi cơ chế, chính sách phù hợp, thì các nhóm kinh tế tư nhân hiện nay cũng có thể lớn mạnh thành các tập đoàn. Do đó, sẽ không nên thành lập các tập đoàn kinh tế nói trên bằng những quyết định mang tính hành chính mà không xuất phát từ đòi hỏi thực tế. Còn một số chuyên gia kinh tế thì cho rằng, nếu việc chuyển đổi mô hình trên không được quản lý chặt chẽ và đi vào thực chất của vấn đề, thì sẽ chỉ là xuất hiện những đợt “đổi tên" thuần tuý, dẫu biết rằng, một số TCT hiện nay cũng đang trong quá trình tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, như TCT than còn tham gia xây dựng các nhà máy điện, ô tô; hay TCT điện tham gia kinh doanh viễn thông…
Cũng cần phải nói đến khía cạnh quản lý tài chính của các TCT hiện nay đang rất rối rắm. Điều này sẽ càng khó khăn hơn khi chuyển thành các tập đoàn kinh tế. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 36 TCT 90- 91 (thành lập theo quyết định 90 và 91 của Thủ tướng Chính phủ năm 1995), thế nhưng trong công tác quản lý tài chính và tài sản công ở hầu hết các TCT này đang “rúng’” lên hồi chuông báo động. Kết quả thanh tra các dự án đầu tư ở một số TCT vừa được Thanh tra Chính phủ tiến hành là một minh chứng sống động.
TCT Dầu khí, một trong những doanh nghiệp mạnh nhất hiện nay trong số các TCT, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế, song đây cũng là TCT dẫn đầu về số bị can (18 bị can) trong đường dây tham nhũng liên quan đến xây dựng cơ bản. Qua việc thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản (các phương tiện thông tin đã đưa) về giàn khoan và ống dẫn khí… đã phát hiện thất thoát và tham nhũng số tiền lên tới hàng chục triệu USD. Hay gần đây nhất là các vụ án liên quan đến thất thoát, tham nhũng tại các TCT: Bưu chính- Viễn thông; Hàng không, Lilama, Seaprdex…
Rõ ràng, chỉ tròn 10 năm thành lập các TCT nhưng đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm, mà đến bây giờ vẫn chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu để đặc trị. Những mô hình chuyển thành công ty TNHH một thành viên, hay Công ty mẹ- công ty con vẫn chưa được định hình và chứng minh hiệu quả rõ nét.
Để dở một cái biển cũ treo cái biển mới thì quá dễ, vấn đề là bên trong (hoạt động- kinh doanh, mô hình quản lý) có thay đổi hay không và thay đổi những gì mới thực sự quan trọng.
Đăng Hà