.
LAO ĐỘNG – VIỆC LÀM Ở HUYỆN TÂN THÀNH:

LỢI THẾ ĐÃ KHÔNG ĐƯỢC TẬN DỤNG

Cập nhật: 08:14, 24/12/2004 (GMT+7)
Lao động muốn lọt vào "tầm ngắm" của các doanh nghiệp cần phải có tay nghề cao. Ảnh: K.B

Theo đề án về lao động và việc làm trên địa bàn huyện Tân Thành do Phòng Tổ chức Lao động - Thương binh & Xã hội và Phòng Thống kê huyện phối hợp thực hiện xong vào cuối tháng 11 - 2004, huyện Tân Thành hiện còn tới 6.378 lao động không có việc làm và việc làm không ổn định, chiếm tỷ lệ 10,33% so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động. Lạ một điều, Tân Thành là địa bàn có đến 5 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, thu hút ngày càng nhiều lao động ở các nơi đổ về, vậy mà tỷ lệ lao động thất nghiệp ở đây lại cao hơn tỷ lệ thất nghiệp trong toàn tỉnh.

THỪA LAO ĐỘNG PHỔ THÔNG

Trong tổng số 6.378 lao động không có việc làm và việc làm không ổn định ở huyện Tân Thành, có tới 59,18% lao động chưa tốt nghiệp THCS. Tốt nghiệp THCS nhưng chưa qua nổi chương trình THPT cũng chiếm tới 25,87%. Lao động có trình độ đại học hoặc cao đẳng chỉ chiếm số lượng rất thấp, thường là thuộc nhóm đối tượng có việc làm nhưng không ổn định.

Còn theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN), hiện tại số lao động đang làm việc ở các KCN trong toàn tỉnh là hơn 8.000 người, số lao động phổ thông chỉ chiếm xấp xỉ 50%. Có những công ty chỉ có vài chục công nhân, nhưng điều khiển tốt cả một guồng máy công nghiệp. Điều này cho thấy, nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp là rất lớn, nhưng phải là lao động có tay nghề. Trình độ văn hóa thấp, tay nghề không có là một nguyên nhân khách quan khiến những người lao động ở Tân Thành không thể len chân vào được các KCN.

Theo đánh giá của Phòng Tổ chức Lao động - Thương binh & Xã hội huyện, lao động tuổi từ 18 đến 25 là thất nghiệp nhiều nhất mà nguyên nhân chính là do nhóm tuổi này nghỉ học giữa chừng nằm nhà "chờ" việc; Ngoài ra còn có thêm nhóm tuổi từ 41 đến hết tuổi lao động số lượng thất nghiệp rất lớn (21,41%). Nhóm này do trình độ học vấn thấp, không còn đủ sức khỏe để tham gia các công việc chân tay đành bó tay trước cảnh có việc bữa nay không biết đến bữa mai. Ngoài hai nhóm chính kể trên, một số nguyên nhân tạo ra tình trạng thất nghiệp ở Tân Thành như: Thất nghiệp viø bán hết đất sản xuất; thất nghiệp do lười lao động; thất nghiệp do không muốn làm việc bởi "đất của mình đang nằm trong khu quy hoạch, đợi tiền đền bù xong rồi mới tính chuyện làm ăn vẫn chưa muộn"…

Mỹ Xuân - xã "đông" người nhất (17 ngàn nhân khẩu) và là địa bàn có đến 2 KCN, không kể rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác ngoài KCN, nhưng lại là xã có tỷ lệ người lao động không có việc làm và việc làm không ổn định lớn nhất: Gần 2,5 ngàn người, chiếm 15%. Đây rõ ràng là những con số đáng báo động.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LAO ĐỘNG CÓ VIỆC LÀM

Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Tân Thành đề nghị: Phải phối hợp với các doanh nghiệp trong KCN để tuyển dụng lao động tại chỗ. Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp tự tìm lao động, chỉ khi không tìm được họ mới nhờ đến các Trung tâm Giới thiệu việc làm. Có những doanh nghiệp đưa lao động từ các tỉnh khác đến, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề khó khăn về nhà ở, sinh hoạt…

Đành rằng chủ trương giải quyết lao động tại chỗ là đúng đắn. Thế nhưng phải xem lại vấn đề: Liệu lao động của Tân Thành có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp? Nếu chỉ có hai bàn tay trắng, trình độ không, chuyên môn không (không kể một số lười lao động kể trên), liệu lao động Tân Thành có phù hợp với nhịp độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa của địa phương.

Thiết nghĩ, tập trung vào chiến lược nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, và cả ý thức lao động cho người lao động trên địa bàn mới chính là yêu cầu quan trọng nhất để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Tân Thành hiện nay.

Yến Phương

.
.
.