.

NHÂN LỰC CHO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP BÀ RỊA-VŨNG TÀU: NGHỊCH LÝ GIỮA CUNG VÀ CẦU

Cập nhật: 08:28, 12/10/2004 (GMT+7)
Nhu cầu lao động có trình độ công nghệ sẽ ngày càng tăng cao.

"Chúng tôi buộc phải tuyển người qua các công ty tư vấn nhân lực tại TP Hồ Chí Minh, bởi tại Rà Rịa-Vũng Tàu chưa có một công ty tư vấn nhân lực nào hoạt động đúng theo nghĩa của nó." – Ông Võ Văn Khôi, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ (Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, Tân Thành), đã bộc bạch những khó khăn của Công ty trong quá trình triển khai dự án. Điều này đã phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao tại các khu công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu.

NHU CẦU LỚN VỀ LAO ĐỘNG CÓ TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ

Các khu công nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển chủ yếu dựa trên lợi thế tự nhiên là hệ thống cảng nước sâu, nguồn khí thiên nhiên được đưa vào từ ngoài khơi, nên thu hút nhiều dự án công nghiệp nặng, những dự án có nhu cầu lớn về năng lượng, sử dụng nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên như các dự án điện, đạm, luyện cán thép, sản xuất kính, sản xuất gạch men… Hầu hết các dự án này đòi hỏi công nghệ sản xuất cao, thuộc những lĩnh vực mới mẻ của nền công nghiệp thế giới. Do vậy, nhu cầu lao động có trình độ công nghệ cao tại các dự án thuộc các khu công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu là rất lớn. Hiện tại, các nhà máy trong các khu công nghiệp ở Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút khoảng 9.000 lao động, với hơn 6.000 lao động đã qua đào tạo nghề. Trong đó, có những dự án đòi hỏi một tỷ lệ lớn lao động có trình độ công nghệ cao như Đạm Phú Mỹ (80%), các dự án điện (90%). Theo luận chứng khả thi dự án trường Dạy nghề Tân Thành, đến năm 2020, số lao động đã qua đào tạo nghề tại các khu công nghiệp ở địa phương sẽ là 25.000 người, trong đó, số lao động có trình độ công nghệ cao, đáp ứng được các đòi hỏi của các chuyên ngành có thể là 90% so với tổng số.

…NHƯNG CHƯA ĐƯỢC ĐÁP ỨNG

Để có được số lao động có tay nghề như hiện nay, các nhà đầu tư đã phải chật vật, nếu nhu cầu tăng lên như thế thì quả là một thách thức lớn đối với các dự án, bởi hiện nay các nhà đầu tư chưa thể đặt niềm tin với bất kỳ một cơ sở đào tạo nghề nào tại địa phương. Ông Trần Phương Đông, Giám đốc nhân sự của Công ty Bách Việt, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, nói: "Chúng tôi không kỳ vọng là địa phương có ngay một nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất mang tính đặc thù chuyên ngành của từng nhà máy, chúng tôi chỉ muốn đặt hàng đào tạo cho các trung tâm đào tạo nghề, song điều này cũng không thể thực hiện được vì ở Tân Thành chưa có một cơ sở nào có khả năng đào tạo nghề có công nghệ cao". Với lý do đó, hầu hết các công ty trong các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu phải tuyển nhân lực và đặt hàng đào tạo cho các công ty tư vấn nhân lực tại TP Hồ Chí Minh.

Hầu hết các nhà máy trước khi đi vào hoạt động đều tuyển lao động đã qua đào tạo, nhưng hầu như không có một nhà máy nào lại không phải đào tạo lại cho lực lượng lao động của mình. Điều này cũng dễ hiểu vì mỗi nhà máy có một chuyên ngành sản xuất riêng biệt, trong khi đào tạo nghề ở các trường dạy nghề chỉ đào tạo theo các nguyên lý chung. Song điều đáng nói là kể cả những người đã trải qua đào tạo nghề cũng còn rất xa lạ với những hoạt động thực tiễn của chuyên môn mà mình đã được đào tạo. Đó là nhận xét của chuyên gia Horg (người Italia) đã tham gia đào tạo cho lao động ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

CẦN CÓ SỰ LIÊN KẾT

Hiện nay, có khá nhiều Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu: Các đơn vị Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các công ty tư nhân,… Hoạt động môi giới việc làm của các công ty, tổ chức này là nghe ngóng thông tin tuyển dụng từ các nhà máy, dự án; nhận hồ sơ của người lao động và mang nộp cho nhà tuyển dụng; nếu nhà tuyển dụng chấp nhận hồ sơ, người lao động phải trả một mức phí cho đơn vị môi giới, thấp nhất là 60.000 đồng/hồ sơ. Nếu người lao động biết thông tin tuyển dụng thì có thể đến nộp hồ sơ trực tiếp cho nhà tuyển dụng sẽ tránh được phí môi giới. Mức phí môi giới không đáng bao nhiêu, nhưng điều đáng nói là đơn vị môi giới việc làm hầu như không có một vai trò gì để làm tác nhân xúc tác cho mối liên kết giữa nhà tuyển dụng và người lao động.

"Chúng tôi chỉ đặt kế hoạch là đào tạo thêm những vấn đề về sản xuất đạm urê, nhưng không ngờ trong quá trình thực hiện đào tạo, chúng tôi đã phải bắt đầu từ con số không. Hầu hết những người đã được tuyển dụng vào Nhà máy Đạm Phú Mỹ đều đã qua đào tạo nghề, nhưng họ vẫn còn xa lạ với máy móc, thậm chí có người nhìn cỗ máy cao to quá... … còn sợ" .

(Ông Horg, chuyên gia Nhà máy Đạm Phú Mỹ)

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư, tạo nhiều việc làm thích hợp cho người lao động, quá trình đào tạo nghề cần có mối liên kết giữa trường dạy nghề – nhà tuyển dụng – nhà tư vấn và người lao động, trong đó mối liên kết trung tâm, bền vững là giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Đây cũng là mô hình mà hiện nay đã được triển khai bởi một số công ty tư vấn tuyển dụng tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó công ty tư vấn thực sự đóng vai trò cầu nối giữa trường dạy nghề- nhà tuyển dụng và người lao động. Ví dụ cụ thể trường hợp của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ: Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ đã đặt hàng với Công ty Tư vấn tuyển dụng L & A ( TP. Hồ Chí Minh), L & A có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn nhân lực, liên hệ với các cơ sở dạy nghề (trong hoặc ngoài nước) để đào tạo nguồn nhân lực theo đúng yêu cầu của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ.

Xét về mặt quản lý Nhà nước, khi có một dự án mới được hình thành, chính quyền địa phương cần nắm rõ các thông số về nhu cầu lao động của dự án, để từ đó đề ra chỉ tiêu đào tạo cho các trường, trung tâm dạy nghề. Có như vậy thì nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư mới có thể được đáp ứng. Các trường, cơ sở dạy nghề cần phải đón đầu và bám theo nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư.

Bài, ảnh: Minh Lý

.
.
.