Cuộc sống đa sắc màu bên dòng sông Hằng

Kỳ cuối: Những trải nghiệm thú vị

Thứ Sáu, 07/07/2023, 15:46 [GMT+7]
In bài này
.

BÀI LIÊN QUAN:

Xe Tuk Tuk “đặc sản” của giao thông ở Ấn Độ.
Xe Tuk Tuk “đặc sản” của giao thông ở Ấn Độ.

Xe Tuk Tuk

Ấn Độ nhan nhản phương tiện di chuyển thô sơ nhưng cực kỳ hiệu quả là xe Tuk Tuk chạy điện và xăng dầu, thỉnh thoảng vẫn còn thấy loại xe kéo bằng sức người. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là Tuk Tuk chạy bằng điện.

Tại các khu vực thu hút khách tham quan và hành hương, chỉ cần ngoắc tay là hàng chục chiếc ào tới tranh nhau chèo kéo, kèm theo đó là một “đạo quân” vừa ăn xin, vừa bán đủ các loại vật phẩm như vòng tràng hạt, tượng Phật, lá bồ đề, sách hướng dẫn du lịch, giới thiệu điểm hành hương, đồ trang sức rẻ tiền sặc sỡ, rổ hoa làm sẵn để dâng Phật…

Các bác tài Tuk Tuk đều là tay lái lụa, nếu cần thiết, bác có thể cân luôn 5 người thay vì 4, bằng cách thêm 1 người ngồi gá tạm bên tài xế! Các bác luồn lách trong dòng xe người bụi đất hỗn độn, trong tiếng còi xe inh ỏi nhức óc không khác gì làm xiếc, khiến các vị khách du lịch lần đầu đến đây chỉ biết cầu nguyện sao cho nhanh đến để được nhảy ra khỏi xe! Quả thật ai nói giao thông ở Việt Nam rất kinh khủng, thì sẽ phải ân hận vì quá lời. Ở đây còn hỗn độn gấp 10 lần!

Mỗi khi chúng tôi cần, Alam, anh dẫn đoàn người Ấn sẽ đứng ra gọi xe và đàm phán giá cả với các tài xế. Chúng tôi chỉ việc lên xe và xuống xe khi đến nơi. Một lần, vài người không về chung đoàn, tự gọi Tuk Tuk là gặp chuyện ngay. Tài xế chở lòng vòng đến một nơi lạ rồi yêu cầu xuống xe, đòi tiền gấp đôi. Cuối cùng phải trả cho xong chuyện rồi bắt xe khác, vài lần mới về đến khách sạn...

Nếu bạn lần đầu đến Ấn Độ, đừng tự đi, mà phải có người bản xứ đi kèm!

Tiền lẻ

Rút kinh nghiệm từ một số thành viên trong đoàn chúng tôi đã từng tham gia chuyến hành hương năm ngoái, trước khi đi, chúng tôi đã nhờ Alam đổi giúp cho mỗi người một số tiền lẻ mệnh giá 20 rupee, hóa ra cực kỳ hữu ích. Dân bản địa ở hầu hết các địa phương nơi có thánh tích Phật giáo đều tương đối nghèo khó.

Thật khó nhắm mắt làm ngơ khi mà đi tới đâu cũng có một đội quân lẽo đẽo theo sau vừa chào mời mua hàng, vừa xin tiền. Tất nhiên bạn không thể cho tiền hết lượt, nhưng nếu mỗi lần cho tiền bạn rút tờ tiền chẵn 500 hay 1.000 rupee thì bạn sẽ cháy túi chỉ trong ngày đầu tiên.

Tuy nhiên tôi vẫn gặp ngoại lệ: cậu thiếu niên đen đủi, ăn mặc rách rưởi cứ lẽo đẽo mời tôi mua vòng tràng hạt, dù tôi đã từ chối nhiều lần. Để cắt đuôi tôi đành rút 5 tờ 20 rupee cho cậu, và rất ngạc nhiên khi thấy cậu lịch sự từ chối, nói chỉ cần mua giúp thôi, chứ không nhận tiền. Tôi quyết định mua ủng hộ cậu vài cái.

Hãy thủ sẵn một số tiền lẻ rupee trước khi qua Ấn Độ!

Mua quà lưu niệm ở Ấn Độ là phải trả giá.
Mua quà lưu niệm ở Ấn Độ là phải trả giá.

Mua sắm

Đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm, vật phẩm tâm linh của đoàn, Alam dẫn chúng tôi đến con phố tập trung nhiều cửa hàng lớn, uy tín và rất phong phú đủ mọi chủng loại, nằm ở khu lân cận đền Mahabodhi.

Phải nói là hầu hết hàng hóa, dịch vụ ở các bang chúng tôi đi qua đều rẻ hơn so với Việt Nam. Riêng các loại chuông, tượng, các đồ thờ cúng làm bằng đồng kể cả chế tác thủ công lẫn đúc công nghiệp thì vừa đẹp vừa rẻ chỉ bằng nửa hoặc 1/3. Theo nhận xét của nhiều người trong đoàn, một pho tượng Phật Thích Ca rất đẹp, chừng 40cm, được chủ cửa hàng nói giá 720 USD. Sau một hồi đàm phán, đến “dùng chiêu” ông bạn cùng đoàn cũng thỉnh được tượng Phật ưng ý với giá 245 USD.

Kinh nghiệm cho hay, không bao giờ mua ngay với mức giá người bán đưa ra đầu tiên. Giá hợp lý chỉ là từ 1/3 đến nửa giá ban đầu, hết mức thì chỉ đến 2/3 là cùng. Áp dụng cho tất cả các loại hàng lưu niệm ở đây, từ cửa hàng lớn đến hàng rong. Nếu không có tiền rupee có thể dùng đô la.

Trong hành trình vỏn vẹn 6 ngày, đến nhiều điểm, rõ ràng việc đi, nhìn thấy, nghe kể vẫn là không thể đủ để có một cái nhìn thấu hiểu sâu sắc về những thánh tích được cho là cội nguồn của Phật giáo nói riêng, cũng như về cuộc sống người dân và đất nước Ấn Độ nói chung. Do đó, các ghi chép trên hầu hết là những gì “mắt thấy, tai nghe”.
Một người bạn trong đoàn, đã từng nhiều lần đến Ấn Độ, nói rằng hầu hết những người đã một lần về đất Phật sẽ muốn đi lại lần nữa. Nghe thì biết vậy, nhưng chưa tin lắm. Cho đến hôm nay, khi ngồi để ghi chú lại những gì mình thấy trong chuyến đi, tôi bất ngờ tự hỏi, phải chăng trong thâm tâm, đã có một thôi thúc đến đó trải nghiệm lần thứ hai? Tôi dần thấy, có lẽ anh bạn của tôi đã nói đúng!
Ngày nay, nhìn vào bề nổi trong xã hội Ấn Độ, đạo Phật không còn hưng thịnh như thời hoàng kim khi xưa. Thế nhưng sâu thẳm trong triết lý sống văn hóa, sinh hoạt, người Ấn vẫn thể hiện tinh thần, tính chất và nội hàm của Đạo Phật rất nhiều.
Rõ ràng, khi chọn biểu tượng đầu trụ đá bốn sư tử của Asoka (vua A Dục), một vị vua Phật tử làm Quốc huy của đất nước, các nhà lãnh đạo Ấn Độ muốn biểu dương và noi gương tinh thần trị quốc an dân bằng đạo đức của vị vua anh minh này nhằm hướng đến một xã hội thái bình, thịnh vượng.

 

Hầu hết người bán hàng trong chợ quê ở Ấn Độ đều là đàn ông.
Hầu hết người bán hàng trong chợ quê ở Ấn Độ đều là đàn ông.

Chợ quê

Thành Trung, người được bầu làm trưởng đoàn chúng tôi, là một luật sư, cũng là người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử Phật giáo - nhất quyết phải ghé thăm một chợ Ấn Độ, mặc dù không nằm trong chương trình đã định.

Bạn dẫn đoàn dễ thương Alam chiều ý ngay khi chúng tôi đi ngang một ngôi chợ quê đông đúc trên đường từ Đại Bảo tháp Mahabodhi đến Khổ Hạnh Lâm (Dhungeswari cave).

Anh Trung đã đúng khi nói rằng, muốn biết cuộc sống người dân sở tại như thế nào thì hãy xem chợ của họ. Chúng tôi đã có một trải nghiệm đặc biệt khi lang thang trong chợ nhìn ngắm người dân bản địa ồn ào tất bật mua bán trao đổi.

Chợ họp trên một bãi đất trống, khá bụi bặm, lác đác một vài gốc cây to, không mái che, không sạp, dù lúc đó là tầm 10-11 giờ trưa. Ước tính có ít nhất 300-400 kẻ mua người bán, phần đông là dân lao động.

Những tấm bạt trải vội trên đất, bày đủ mọi loại hàng hóa. Chỗ bán trái cây, cà chua, súp lơ, đậu cô ve, khoai tây, hành lá to dài xanh mướt… cực kỳ phong phú chủng loại. Ngay bên cạnh là quần áo, vải, khăn, túi đựng. Kế đó là đủ loại nông cụ như lưỡi cuốc, dao rựa, kềm búa, xà beng… cũng bày trên bạt.

Xen kẽ là những chiếc xe đẩy dã chiến bán hàng ăn ngay tại chỗ, chủ yếu là các loại bánh bột chiên mặn ngọt. Bếp lò được đặt trong cái lỗ đào dưới đất, kế bên là khay đựng bánh vừa chiên cũng sát mặt đất kê tạm bợ bằng vài cái thùng tôn cũ, trông khá mất vệ sinh.

Ngay trong góc chợ có một lò rèn dã chiến. Anh thợ rèn luôn tay thổi, gõ búa, lại quay qua đón lấy con dao cùn của chị khách giao để mài. Ở một góc khác là nơi bán các loại cá, chủ yếu là cá nước ngọt. Chị bán cá làm cá hơi ngược với ở Việt Nam: con dao to như cái rựa, đã được mài sắc, đặt cố định dưới đất, lưỡi ngửa lên. Chị không cầm con dao mà cầm con cá vuốt qua lưỡi dao chỗ cần cắt. Mỗi lần vuốt, con cá đứt thành từng đoạn rất thành thục. Có vài chiếc xe Tuk Tuk chở hàng đến chợ và người ta bày hàng ngay dưới đất, tận dụng chiếc xe làm kho hậu cần. Hầu hết người bán hàng trong chợ đều là đàn ông.

Chúng tôi tìm gian hàng bán thịt nhưng không thấy đâu. Hỏi ra mới biết người Ấn hầu như không ăn thịt heo. Chủ yếu là ăn thịt gà và dê. Cuối cùng tôi cũng tìm ra, nhưng là bán dê cả con, còn sống, mỗi người dắt một con rao bán ở góc khác của chợ.

Chúng tôi ghé vào hàng bánh chiên, mua ăn thử vài cái, nóng hổi, thơm, lạ miệng. Anh chị em trong đoàn mua ký đậu phộng rang còn nguyên vỏ, một ít trái không biết gọi là gì, nhưng ăn vị chua ngọt rất ngon, người thì mua mấy cái vòng tay sặc sỡ, được dán thêm cái chấm tròn trên trán như các cô gái Ấn.

Ở đây người ta chỉ dùng một loại cân duy nhất, đó là cái cân treo 2 đĩa xách bằng tay, một bên là hàng, một bên là quả cân tùy theo trọng lượng, thứ cân mà dân ta dùng phổ biến thời xưa. Rời chợ lên xe đi cho kịp giờ, cả đoàn ai cũng vui khi có một trải nghiệm hết sức thú vị khi được hòa mình trong đám đông người dân Ấn mua mua bán bán, thật khó quên!

Người phụ nữ bán cá ở chợ quê với cách làm đặc biệt thu khách du lịch.
Người phụ nữ bán cá ở chợ quê với cách làm đặc biệt thu khách du lịch.

Bài, ảnh: QUỐC THỊNH

;
.