Cuộc sống đa sắc màu bên dòng sông Hằng

Kỳ 5: Vườn Lộc Uyển - Sanarth nơi gắn với sự ra đời của Phật giáo

Thứ Sáu, 30/06/2023, 16:57 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Từ TP.Varanasi, chúng tôi di chuyển khoảng 13km lên phía Đông Bắc để đến khu Phật tích Sanarth – còn gọi là “Vườn Lộc Uyển”.

Tháp Dhamekh là điểm nhấn nổi bật nhất tại khu Thánh tích Vườn Lộc Uyển.
Tháp Dhamekh là điểm nhấn nổi bật nhất tại khu Thánh tích Vườn Lộc Uyển.

Theo lịch sử Phật giáo, nơi đây xưa kia vốn là khu rừng rậm rất yên tĩnh, Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) sau khi xuất gia đã cùng nhóm 5 người bạn tu đến đây tu luyện. Sau khi Tất Đạt Đa quyết từ bỏ con đường tu khổ hạnh, chí tâm thiền định và đắc đạo thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya Muni) tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), Ngài đã đi từ làng Uruvela - thuộc bang Bihar, quay trở lại nơi cũ mong tìm gặp lại năm người bạn cũ để giảng bài pháp đầu tiên là Dhamma Cakka Pravatana Sutra (Việt Nam gọi là kinh “Chuyển Pháp Luân” - tức “Dịch chuyển bánh xe giáo pháp”).

Nghe tin đức Phật về giảng pháp, nhiều người từ các khu vực chung quanh lần lượt đến đây xin quy y Phật. Kể từ đó, Ngài trở thành Người sáng lập ra đạo Phật và thành lập tổ chức “Tăng già/Tăng đoàn” đầu tiên cho 60 nam tu sĩ (gọi là “Tỳ kheo”), đánh dấu sự kiện ra đời một tổ chức tôn giáo mới, trường tồn khắp năm châu trên 2.500 năm.

Phần đỉnh trụ đá Asoka tạc hình bốn con sư tử hiện còn đang lưu giữ tại Bảo tàng Sanarth, và Quốc huy Ấn Độ ngày nay.
Phần đỉnh trụ đá Asoka tạc hình bốn con sư tử hiện còn đang lưu giữ tại Bảo tàng Sanarth, và Quốc huy Ấn Độ ngày nay.

Sanarth – vườn Lộc Uyển cũng trở thành một trong bốn thánh tích “tứ động tâm” nổi tiếng gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Vườn Lộc Uyển kể từ đó là thánh địa cho các tu sĩ và dân chúng đến tu tập, kèm theo đó là sự phát triển rực rỡ của nhiều kiến trúc như đền chùa, tu viện, tượng thờ, kinh sách… trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là dưới thời vua A Dục. Đến thế kỷ 12 sau Công nguyên, Ấn Độ bị xâm lược bởi các thế lực Hồi Giáo, các thánh tích Phật giáo bị phá hủy hoàn toàn. Lịch sử Phật Giáo rơi vào thời gian dài đen tối.

Các khu Phật tích nằm yên trong lòng đất và rơi vào quên lãng, cho đến thế kỷ 18, nhà nước Ấn Độ công nhận khu Sanarth - Vườn Lộc Uyển là Di tích quốc gia, cho phép các nhà nghiên cứu và khảo cổ đến khai quật để tìm kiếm những chứng tích cho giai đoạn hưng thịnh nói trên của Phật giáo. Vườn Lộc Uyển đã thật sự thức dậy sau giấc ngủ ngàn thu. Nó được chính phủ Ấn Độ bảo vệ, nghiên cứu, khảo cổ và trùng tu, được cộng đồng chư tăng, phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái, quảng bá.

Hàng trăm nền móng, trụ cột lộ ra đủ hình dạng sau khai quật là di tích còn lại của các đền thờ, tu viện, nhà cửa… tại Sanarth.
Hàng trăm nền móng, trụ cột lộ ra đủ hình dạng sau khai quật là di tích còn lại của các đền thờ, tu viện, nhà cửa… tại Sanarth.

Khu vực khảo cổ Sanarth khá rộng lớn, âm xuống khoảng 3-4 mét so với mặt đất, được trùng tu khá chu đáo. Điểm nhấn nổi bật là khối tháp lớn Dhamekh cao sừng sững. Ngoài ra, những điểm đáng chú ý khác là di tích trụ đá của vua A Dục, cùng hàng trăm nền móng, trụ cột lộ ra đủ hình dạng sau khai quật, vẫn còn giữ được những nét tạo hình tinh xảo dù đã bị bào mòn khá nhiều qua thời gian, chính là di tích còn lại của các đền thờ, tu viện, nhà cửa… cho thấy khu vực này thời đó đã phát triển rực rỡ như thế nào.

Tháp Dhamekh - còn gọi là Tháp Chánh Pháp có hình dạng hai khối trụ chồng lên nhau. Khối dưới đường kính lớn hơn, ước chừng gần 80m, cao chừng 30m. Chiều cao tổng cộng khối tháp lên đến gần 50m. Bề mặt làm bằng gạch nung và đá sa thạch, với nhiều hoa văn, đường diềm được chạm trổ hết sức tỉ mỉ, sống động. Tháp được vua A Dục cho xây dựng vào năm 300 trước CN, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi giảng bài pháp đầu tiên.

Chúng tôi đến thăm tháp đúng thời điểm nó đang được trùng tu bảo dưỡng với hệ thống giàn giáo được dựng lên bao quanh toàn bộ mặt ngoài. Có khoảng vài chục công nhân đang vắt vẻo trên giàn, chủ yếu là làm vệ sinh, tẩy rửa, bồi đắp những chỗ hư hỏng trên bề mặt tháp, cho thấy sự đầu tư đáng kể của chính quyền sở tại vào khu di tích.

Dù tháp đang được sửa chữa, vẫn có các đoàn phật tử ngồi đọc kinh niệm Phật ngay dưới chân tháp, và rất đông phật tử xếp hàng đi vòng quanh chân tháp tụng niệm.

Giống như ở Vaishali, khu di tích Sanarth cũng có trụ đá do vua A Dục xây (còn gọi là trụ đá Asoka), khi nhà vua đến chiêm bái thánh địa này vào năm 250 trước CN, theo tài liệu khảo cổ. Giờ nơi tôi đứng tại Sanarth, nó chỉ còn là 4 đoạn thân trụ gãy khúc, được bảo vệ cẩn thận trong lồng kính có mái che, cách tháp Dhamekh không xa.

Theo chú giải tại di tích, trụ đá nguyên thủy cao khoảng 15 mét, thân hình trụ thon bóng, chân trụ đường kính 0,7 mét, nhỏ dần về phía đỉnh. Nét đặc biệt của trụ đá Asoka ở Sarnath là đầu trụ tạc hình bốn con sư tử, tựa lưng vào nhau, đặt trên một bệ trụ ngắn khác. Trên bề mặt của bệ trụ ngắn này có bốn bánh xe Pháp gồm 24 căm xen kẽ với bốn con vật xung quanh: một con voi, một con bò đực, một con ngựa và một con sư tử. Tiếp nối với đoạn bệ trụ là đế bán cầu hình hoa sen dốc ngược.

Bốn đầu sư tử quay về bốn hướng tượng trưng cho chánh pháp của Đức Phật, từ vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên và là nơi tạo dựng trụ đá này, được truyền bá khắp bốn phương. Bánh xe tượng trưng cho sự truyền bá Phật pháp rộng rãi khắp thế gian.

Sau này, các tổ chức Phật giáo chọn hình ảnh bánh xe Pháp để trang trí, làm logo và biểu tượng cho tổ chức mình với ý nghĩa tương tự. Còn biểu tượng bốn đầu sư tử của trụ đá Asoka tại Sarnath được chọn làm quốc huy của đất nước Ấn Độ.

Thật đáng tiếc, tôi không tìm thấy phần đầu trụ trong lồng kính bảo quản tại di tích Sanarth. Hỏi ra mới biết, phần đầu trụ đứt lìa do bị phá hủy vẫn còn, nhưng được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Sanarth ở gần đó. Do thời gian eo hẹp nên đoàn chúng tôi không kịp ghé qua Bảo tàng để chiêm ngưỡng.

Bài, ảnh: QUỐC THỊNH

;
.