.

Quốc hội bế mạc phiên chất vấn

Cập nhật: 11:16, 06/06/2024 (GMT+7)

Sau 2,5 ngày thực hiện chất vấn 4 nhóm vấn đề, sáng 6/6, Quốc hội họp phiên cuối cùng và bế mạc Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Qua báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các Bộ: Tài nguyên và môi trường, Công thương, Văn hóa thể thao và du lịch, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và kết quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các Bộ được chất vấn đã triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở các các lĩnh vực phụ trách, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cũng chỉ rõ việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nhiệm vụ, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

Trước đó, tham gia chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại nghị trường, quan tâm đến giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Tâm Hùng, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn: Vượt qua đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam bước đầu có dấu hiệu phục hồi, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, về kích cầu du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta cần đảm bảo liên kết chuỗi giá trị, đặc biệt gắn du lịch với kết hợp các công ty du lịch lữ hành, nơi cứ trú, thương mại, vận chuyển, kết nối giữ các địa phương để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến hấp dẫn; đồng thời có sự hợp tác, phối hợp chung giữa các khu vực có sản phẩm tốt.

Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện các sản phẩm du lịch, công tác quảng bá các sản phẩm du lịch cần làm tốt. Trên thực tế chúng ta chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng được thương hiệu, đưa ra tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả. Cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch, có nhiều nơi khách du lịch đến khá đông nhưng chưa đảm bảo được cơ sở hạ tầng, môi trường, thực phẩm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

.
.
.