.
KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Dùng cát biển làm vật liệu xây dựng không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học

Cập nhật: 18:08, 04/06/2024 (GMT+7)

Sáng 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại việc khai thác cát biển làm vật liệu san lấp các công trình giao thông sẽ ảnh hưởng đến môi trường tại khu vực thi công công trình và đa dạng sinh học tại khu vực khai thác.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.

Mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp

Trả lời chất vấn về phương án sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp các công trình giao thông được đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đặt ra, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển nhằm san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ TN-MT được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Thời gian qua, Bộ TN-MT hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Bộ trưởng cho biết, cát biển đã được sử dụng san lấp trong các khu kinh tế, KCN và các dự án ven biển.

Về lo ngại của đại biểu Trần Kim Yến trước nguy cơ nhiễm mặn tại khu vực thi công công trình giao thông, Bộ trưởng khẳng định, cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng cát biển ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động và Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về hoạt động khai thác cát biển có tác động thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, với mỏ cát biển tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ đã đánh giá tác động môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. “Chiều sâu của thân mỏ là 7m, chúng tôi chỉ khuyến cáo lấy 2m; mỏ cát biển cũng xa bờ, cách bờ biển 20km”, Bộ trưởng nói.

Tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp các công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bộ đã ban hành tiêu chuẩn về sản phẩm cát nền làm vật liệu xây dựng thay thế. Bộ cũng đã xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 về Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu đã xác định yêu cầu kỹ thuật cho vật liệu đắp nền đường. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT chủ trì xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá, thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường.

“Bộ GT-VT đã có báo cáo về thí điểm, theo đó, đề nghị các địa phương căn cứ theo nhu cầu, điều kiện thực tế tiếp tục mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp các công trình giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: quochoi.vn

Chính sách còn chồng chéo

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về giải pháp khắc phục hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vào chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến nhiều ngành; một số cơ chế, chính sách còn chồng chéo, vướng mắc. Do đó, để cơ chế, chính sách thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới cần rà soát quy định pháp luật hiện hành, thuộc trách nhiệm của ngành nào thì ngành đó phải rà soát và tham mưu cho cấp có thẩm quyền; có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương; quan tâm năng lực tiếp thu cơ chế, chính sách của doanh nghiệp (DN).

Các địa phương muốn thu hút đầu tư cũng phải có nguồn hàng, phải quy hoạch được vùng nguyên liệu. Các địa phương không chỉ phát huy lợi thế về tự nhiên mà cần có cơ chế, chính sách đặc thù, hợp lý…

Đối với chất vấn của các đại biểu về vấn đề các DN bị khởi kiện trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng nêu rõ, cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác khởi kiện là 247 vụ. Nguyên nhân là do chúng ta tận dụng lợi thế của các Hiệp định tự do để mở rộng xuất khẩu. Việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến nước ta trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại; một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết.

Bộ đã chủ động phối hợp với với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội… để hỗ trợ DN xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại.

NGỌC NGUYỄN

.
.
.