Bàn giải pháp chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài

Thứ Sáu, 01/10/2021, 23:45 [GMT+7]
In bài này
.

Làm thế nào để kiểm soát, không để dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào tỉnh, để có thể từng bước tiếp tục “mở cửa” theo chủ trương của Chính phủ. Đó là nội dung được tập trung bàn bạc, thảo luận tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch vào chiều 1/10, do ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phải cam kết trách nhiệm kiểm soát dịch của DN

Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 (TTCH) tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh còn rất cao, nhất là từ các tài xế, phụ xe chở hàng.

Để kiểm soát chặt đối tượng nguy cơ nói trên, TTCH tỉnh đề nghị: Với lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vào BR-VT (đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn) thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện; giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).

Với người điều khiển phương tiện phải hạn chế dừng, đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ bảo đảm thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

 Về việc giải quyết cho người dân đi từ tỉnh BR-VT về các địa phương ngoài tỉnh, theo thống kế hiện nay có khoảng 2.627 trường hợp, UBND tỉnh đã giao cho Sở LĐTBXH rà soát, tham mưu và giải quyết theo quy định trên cơ sở có sự thống nhất giữa tỉnh BR-VT (nơi đi) và các tỉnh có liên quan (nơi đến). Đối với các trường hợp người dân có nguyện vọng về BR-VT từ các địa phương khác sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định trên cơ sở có sự thống nhất giữa 2 địa phương.

Tại cuộc họp, các đại biểu đề xuất các giải pháp để có thể kiểm soát dịch tốt hơn với các đối tượng nguy cơ cao là tài xế, phụ xe chở hàng, giao dịch với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn đánh giá, các chuỗi lây nhiễm vừa qua chủ yếu là trong cơ quan, xí nghiệp, nhà máy và được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Các ca này đa phần không có triệu chứng nhưng tải lượng vi rút cao nên khả năng lây nhiễm lớn. Do đó, các DN cần phải thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc với các đối tượng này trước khi cho vào cơ sở thực hiện giao dịch. Việc các DN bỏ chi phí xét nghiệm sàng lọc ngay từ đầu sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn so với việc xử lý ca nhiễm khi đã lây lan.

Các địa phương cũng đề xuất giải pháp thực hiện cam kết giữa DN và chính quyền trong việc thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, các DN cần phải có phương án để kiểm soát dịch chặt chẽ không chỉ với người lao động của mình mà còn cả với các đối tượng cung cấp hàng hóa, giao dịch với DN.

Các đại biểu đề xuất cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát quy trình phòng chống dịch tại các công ty, xí nghiệp, dự án, công trường, bến cảng; cần có khu vực sinh hoạt riêng cho tài xế, phụ xe, người lao động không sử dụng chung những khu vực này và phải khử khuẩn thường xuyên; tiếp tục ứng trực 24/24 tại các nút giao thông cửa ngõ, các địa phương phối hợp quản chặt tài xế giao hàng vào địa bàn.

Tiếp tục mở cửa thận trọng, không chủ quan, lơ là

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh nhận định, BR-VT đã từng bước “mở cửa” một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại cho người dân trong điều kiện thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Tuy nhiên, các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào tỉnh còn rất cao, đáng chú ý là trong ngày 30/9, tỉnh có 15 ca mắc cộng đồng đều liên quan đến nguồn lây từ bên ngoài vào. Tỉnh sẽ tiếp tục “mở cửa” theo chủ trương chung của Chính phủ, nhưng cũng sẽ lường trước với những khó khăn cần đối mặt, chỉ cần một chút sơ sểnh là dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

“Áp lực với tỉnh lần này lớn hơn nhiều so với việc thực hiện giãn cách khóa chặt như trước đây. Dù vậy, trong tình hình hiện nay chúng ta phải thay đổi phương pháp tiếp cận trong phòng chống dịch để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó là, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động phản ứng nhanh, kịp thời trong việc kiểm soát các mối nguy, đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao; tăng cường năng lực để thực hiện tốt, chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát người ra vào qua các chốt kiểm dịch”, ông Thanh nhấn mạnh.

Đối với các DN, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của DN khi để xảy ra dịch bệnh trong đơn vị mình. DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, chi phí tổn thất trong phòng chống dịch nếu dịch bệnh xảy ra do lỗi chủ quan của DN; nhưng đồng thời chia sẻ, hỗ trợ DN nếu đó là những rủi ro xảy đến cho DN.

Liên quan đến công tác tiêm vắc xin, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương chủ động bố trí lực lượng, cơ sở vật chất để có thể triển khai tiêm ngay khi vắc xin được phân bổ về. Các địa phương dân số đông như TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ cần nâng cao năng lực, số lượng các đội tiêm để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc xin trong thời gian tới khi lượng vắc xin được phân bổ về nhiều.

Riêng đối với huyện Côn Đảo, tỉnh sẽ tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tình hình và công tác phòng chống dịch để có phương án tiếp tục “mở cửa” hơn nữa cho huyện này trong các hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng vẫn phải bảo vệ tốt “vùng xanh” cho Côn Đảo.

Bài, ảnh: NGUYỄN THI

;
.