Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân

Thứ Sáu, 01/10/2021, 23:45 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 1/10, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ Ba (Chuyên đề) để quyết nghị những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2021, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết.
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết.

Mở đầu Kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Kỳ họp thứ Ba (Kỳ họp Chuyên đề) diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm sâu; công tác chăm sóc, điều trị các ca bệnh đạt kết quả rất tốt.

Kỳ họp thứ Ba được tổ chức nhằm quyết nghị những nhiệm vụ trọng tâm cần chủ động triển khai ngay từ nay đến cuối năm 2021, thực hiện quan điểm ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, từng bước khôi phục kinh tế theo nguyên tắc “Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân” và yêu cầu mở cửa, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
BR-VT đang có gói kích thích tài chính rất có giá trị và kịp thời

HĐND tỉnh đã thống nhất bổ sung danh mục dự án đầu tư công cho phép chuẩn bị đầu tư năm 2021 (nguồn vốn ngân sách tỉnh) đối với 4 dự án thuộc đường ven biển Vũng Tàu- Bình Châu (ĐT994) để triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2021.

Đây là điều kiện để thúc đẩy phát triển các khu du lịch và tăng giá trị quỹ đất ven biển. Với việc thông qua các dự án đầu tư công hôm nay và 42 dự án trọng điểm, hàng năm tổng vốn đầu tư công cho phát triển là 10.000 tỷ đồng và cho cả giai đoạn 2021-2026 là khoảng 50.000 tỷ đồng.

Cùng với việc triển khai các dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương và từ nguồn xã hội hóa vừa được Chính phủ phê duyệt (như dự án cầu Phước An, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4, đường 991B, Sân bay Côn Đảo, dự án cấp điện lưới quốc gia từ đất liền ra Côn Đảo), với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 50.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công và thu hút vốn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026 là khoảng 100.000 tỷ đồng để đầu tư các công trình trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy kết nối đa phương thức, liên kết vùng, khu vực và thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra cú hích để thu hút đầu tư cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Với tổng vốn đầu tư và giải ngân công trung hạn như một gói kích thích tài chính rất có giá trị và kịp thời, tạo bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai.

 

Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Trong chương trình nghị sự, HĐND tỉnh đã thảo luận sôi nổi và thể hiện sự đồng thuận cao, biểu quyết thông qua 15 Nghị quyết liên quan tới 4 nhóm nội dung chuyên đề gồm: Thông qua một số dự án đầu tư công, điều chỉnh, bổ sung các dự án chuẩn bị đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới; thông qua mức thu học phí năm học 2021-2022 và việc hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021-2022 cho HS các cấp học trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ, chia sẻ kịp thời một phần khó khăn của người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; thông qua một số chế độ chi và mức chi cho hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh để có cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện các nội dung chi, mức chi bảo đảm điều kiện hoạt động cho HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026; thông qua 2 nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 của HĐND tỉnh theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính yếu

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, với tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện thống nhất quan điểm ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, từng bước khôi phục kinh tế theo nguyên tắc thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính yếu là “Phòng, chống dịch - Phát triển kinh tế - An dân” để phù hợp với chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ đã đề ra để phục hồi, mở cửa kinh tế.

Theo ông Phạm Viết Thanh, ngành kinh tế của tỉnh đã chịu nhiều tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của tỉnh. Trước những động lực phát triển bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tỉnh đã nhanh chóng tìm kiếm, tranh thủ tận dụng các động lực mới, mở ra cơ hội mới cho kinh tế của tỉnh phát triển. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và được coi là đầu tư cho phát triển tương lai.

“Để tiếp tục quán triệt thực hiện quan điểm ưu tiên phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế, các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt bằng những trải nghiệm thực tế và sự hi sinh, sự cố gắng của lực lượng tuyến trước. Cần quan tâm và không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch để mở cửa và thúc đẩy phát triển kinh tế”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Thông qua mức hỗ trợ học phí cho HS các cấp

Năm học 2021-2022, mức thu học phí hàng tháng với hình thức học trực tiếp không tăng so với năm học 2020-2021.
Năm học 2021-2022, mức thu học phí hàng tháng với hình thức học trực tiếp không tăng so với năm học 2020-2021.

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh  đã quyết nghị thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2021-2022 cho trẻ MN, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, mức thu học phí hàng tháng theo hình thức học trực tiếp với cấp học Nhà trẻ ở khu vực nông thôn là 75 ngàn đồng, thành thị là 120 ngàn đồng; Mẫu giáo 1 buổi khu vực nông thôn là 30 ngàn đồng, thành thị là 60 ngàn đồng; Mẫu giáo 2 buổi, bán trú ở nông thôn là 45 ngàn đồng, thành thị là 105 ngàn đồng; THCS khu vực nông thôn là 45 ngàn đồng, thành thị là 60 ngàn đồng; THPT khu vực nông thôn là 60 ngàn đồng, thành thị 90 ngàn đồng; THCS hệ GDTX khu vực nông thôn 45 ngàn đồng, thành thị 75 ngàn đồng; THPT hệ GDTX khu vực nông thôn 70 ngàn đồng, thành thị 100 ngàn đồng.

Nghị quyết còn bổ sung thêm quy định về mức thu học phí hàng tháng theo hình thức học trực tuyến (học online). Cụ thể: THCS khu vực nông thôn 34 ngàn đồng, thành thị 45 ngàn đồng; THPT khu vực nông thôn 45 ngàn đồng, thành thị 67,5 ngàn đồng; THCS hệ GDTX khu vực nông thôn 34 ngàn đồng, thành thị 56 ngàn đồng; THPT hệ GDTX khu vực nông thôn 52,5 ngàn đồng, thành thị 75 ngàn đồng. Nghị quyết cũng quy định không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với trẻ em mẫu giáo công lập, HS phổ thông công lập, học viên các trung tâm GDTX. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

• HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021-2022 cho trẻ em MN, HS phổ thông ngoài công lập và trẻ nhà trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh. Đối tượng thụ hưởng là trẻ em MN đang học thực tế tại các cơ sở giáo dục MN, các cơ sở giáo dục đặc biệt ngoài công lập; HS phổ thông tại cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập; trẻ em nhà trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Mức hỗ trợ bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 tương ứng với hình thức học (trực tiếp hoặc trực tuyến) do HĐND tỉnh ban hành cho từng cấp học. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế trong học kỳ I của năm học 2021-2022 nhưng không quá 4 tháng (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường) tại các cơ sở giáo dục MN, cơ sở giáo dục đặc biệt, cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập; cơ sở giáo dục MN công lập đối với trẻ em nhà trẻ. Kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành. Hình thức hỗ trợ là hỗ trợ một lần trực tiếp cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em/HS bằng hình thức chuyển tiền qua dịch vụ bưu chính, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức khác theo quy định pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/10.


NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

 
;
.