Thừa kế theo di chúc không có người làm chứng
Hỏi: Năm 2011, mẹ tôi trước khi chết đã làm giấy ủy quyền giao toàn bộ nhà, đất cho cha tôi toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt. Đầu năm 2015, cha tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Trong khi trí óc còn sáng suốt, cha tôi đã lập di chúc bằng giấy viết tay với nội dung giao toàn bộ tài sản nhà, đất cho tôi toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt. Đến giữa năm 2015, cha tôi qua đời. Mới đây, em trai tôi làm đơn yêu cầu tòa án không công nhận di chúc của cha tôi do nghi ngờ có sự gian dối, đồng thời yêu cầu buộc tôi phải phân chia phân nửa di sản (nhà, đất). Trường hợp này pháp luật phân xử ra sao? (Nguyễn Thị Thủy – TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức)
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 (BLDS), có hiệu lực từ 1-1-2017: Trường hợp việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc (Điều 633 BLDS). Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng chỉ được coi là hợp pháp nếu tuân theo quy định tại Điều 631 BLDS và có đủ các điều kiện như sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (khoản 1, Điều 630 BLDS).
Từ những quy định trên, liên hệ với trường hợp cụ thể của bà Thủy, việc cha bà lập di chúc không có người làm chứng vẫn hoàn toàn hợp pháp nếu bà Thủy yêu cầu cơ quan giám định (được thành lập theo quy định pháp luật), hoặc tòa án trưng cầu giám định để xác định chữ viết, chữ ký trong di chúc đúng là chữ viết, chữ ký của cha bà, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tòa án xem xét, giải quyết tranh chấp thừa kế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thủy.
Luật gia: THANH MAI