.

Không thay đổi, xe buýt sẽ "chết"

Cập nhật: 21:47, 24/12/2017 (GMT+7)
Hành khách đi trên tuyến xe buýt số 22 tuyến Phú Túc (Đồng Nai) - Vũng Tàu.
Hành khách đi trên tuyến xe buýt số 22 tuyến Vũng Tàu - Phú Túc (Đồng Nai).

Trước đây, hàng tuần tôi thường về thị trấn Phước Bửu (Xuyên Mộc) bằng xe buýt tuyến số 4. Chặng đường dài khoảng 50km nhưng thời gian đi mất từ 2-3 giờ đồng hồ. Hầu hết xe buýt đều cũ kỹ, không máy lạnh. Nhiều chuyến, nhà xe chở hàng hóa cồng kềnh, khách không có chỗ ngồi, gây nhiều bức xúc cho hành khách. Mà không chỉ xe buýt tuyến số 4 Vũng Tàu – Bình Châu (Xuyên Mộc), các xe buýt chạy tuyến 22 Vũng Tàu - Phú Túc, tuyến số 6 Vũng Tàu - Mỹ Xuân (Tân Thành) đều chung cám cảnh. Hầu hết khách từng đi xe buýt các tuyến đường này đều phàn nàn tình trạng xe cũ kỹ, chạy chậm, bỏ chuyến, thậm chí là tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi ầm ĩ khiến hành khách nơm nớp lo sợ.

Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 80 xe buýt do các HTX quản lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Mạng lưới xe buýt hiện có hoạt động trên các tuyến: Vũng Tàu - Phú Túc (Đồng Nai, số 22), Vũng Tàu – Mỹ Xuân (Tân Thành, số 6), Vũng Tàu – Bình Châu (Xuyên Mộc, số 4), Xuyên Mộc - Đồng Nai (số 15), Lagi (Bình Thuận) - Bình Châu (Xuyên Mộc).

Xe buýt đang hoạt động tại các tuyến trên địa bàn BR-VT là loại xe của các hãng Transico, Samco với thiết kế 27 ghế ngồi và 23 chỗ đứng. Nhìn chung, mạng lưới tuyến buýt hiện nay đã nối kết được từ trung tâm tỉnh đến trung tâm tất cả các huyện, thành phố và với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Thuận. Tuy nhiên, lượng khách đi xe buýt thời gian qua giảm mạnh. Bản thân tôi, xe buýt đã không còn là sự lựa chọn mỗi lần đi về Xuyên Mộc. Bởi nỗi ám ảnh về sự chậm trễ, mất an toàn… Nếu như chất lượng xe và phong cách phục vụ không thay đổi, chắc chắn mai đây người dân sẽ tẩy chay loại phương tiện này.

Việc đưa xe buýt vào khai thác được coi là một giải pháp then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt, theo tôi, thời gian tới, tỉnh và ngành giao thông phải thực hiện các giải pháp như: Đầu tư thêm nhiều điểm dừng xe buýt và nhà chờ xe buýt, xây dựng trung tâm xe buýt tại TP.Bà Rịa, cải tạo Bến xe Vũng Tàu thành trung tâm xe buýt…

Song song đó, cần xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) theo hướng Nhà nước tập trung vốn đầu tư cho giải phóng mặt bằng, kết hợp Nhà nước và DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện và các hệ thống thiết bị. Trong đó, Nhà nước chỉ đầu tư khởi động để tạo thị trường hoặc Nhà nước tham gia đầu tư thông qua cơ chế cho vay vốn ưu đãi hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng, còn DN chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện đầu tư phát triển cung ứng dịch vụ.

Đồng thời miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng sửa chữa, bãi đỗ xe buýt của DN kinh doanh VTHKCC theo Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh cần vận động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động VTHKCC, mở rộng, điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, để có thêm nhiều người dân ở các vùng xa, vùng ngoại thành, được sử dụng xe buýt.

Xe buýt cũng phải tiếp cận được với các khu đô thị, KCN, thiết kế các tuyến và tổ chức mạng lưới chạy xe bảo đảm khoa học; cung cấp dịch vụ wifi trong xe; phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông để bảo đảm lộ trình chạy xe đúng giờ; tổ chức quản lý xe, hành trình chạy xe theo công nghệ thông minh, từng bước đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng chuyên nghiệp, văn minh... Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt vi phạm các nội quy quy định của ngành…

TRẦN AN NHẬT
(phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu)

.
.
.