.

DẠY CON - NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH

Cập nhật: 09:13, 10/05/2004 (GMT+7)

Con trẻ lớn lên từng ngày, nhưng chúng có trở thành người tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự dạy dỗ của gia đình, trước tiên là của các bậc cha mẹ rất quan trọng và có tính chất quyết định. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách dạy con nghiêm túc.

DẠY CON BẰNG LỜI LẼ THÔ TỤC…

Một buổi tối, tôi tình cờ chứng kiến cảnh một người đàn ông chạy xe đến nhà người em ruột của mình để tìm đứa con trai khoảng 15 tuổi. Khi biết con mình đang chơi ở đây, lập tức anh ta hét lên: “Thằng cô hồn, mày ra đây, đ… mẹ, mày ra đây tao cho mày biết tay”. Sau đó là những cái bạt tai bôm bốp cùng hàng loạt các câu chửi thề nghe phải kinh.Đó không phải là trường hợp cá biệt, có thể gặp ở khắp nơi kiểu “chửi con” như thế, nhất là trong các con hẻm, những khu phố lao động. Họ văng tục, chửi thề không chút ngượng nghịu. Đương nhiên con họ cũng học và ứng dụng ngay trong quan hệ thường ngày với bạn bè cùng trang lứa. Đó đây, trên đường phố, những đám trẻ đá banh nhựa với nhau, vừa chạy nhảy, vừa văng tục không ngớt, chính là hệ quả của kiểu dạy con cái như trên.

NÓ PHẢI BIẾT GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN NGAY TỪ BÂY GIỜ!

Vợ chồng anh P, nhà ở phường 8, TP. Vũng Tàu có cách dạy con “biết giá trị đồng tiền” theo một kiểu tương đối lạ. Khi anh chị sai con mua giúp mình cái gì, nếu dư vài ngàn thì cũng không màng hỏi lại, để chúng cất luôn, kể như tiền dư là của chúng. Anh P. nói: “Tôi hoặc má nó sai đi mua gì thì tiền thừa là của nó, coi như đó là tiền công đi mua. Nó phải ý thức được giá trị đồng tiền, giá trị lao động của nó, làm việc tất nhiên là phải được trả công. Chính vì vậy mà đã có không ít trường hợp cha mẹ sai biểu nhưng có tiền trẻ mới làm, không tiền - không làm.Lẽ nào người lớn lại dạy cho con cái mình ý thức giá trị đồng tiền theo kiểu đồng tiền chi phối tất cả, cả những vấn đề, những công việc thuộc đạo lý, nhân tâm.

DẠY CON BẰNG BẠO LỰC

Mới thấy anh T. về từ xa, 3 đứa con anh, đứa lớn nhất khoảng 14 tuổi, đang chơi đùa gì đó, lật tức im phăng phắc mỗi đứa khép nép lẩn vào một góc đầy vẻ sợ hãi. Tụi nhỏ lấm lét nhìn ba chúng như một hung thần, đến mức những câu hỏi bình thường của anh, chúng cũng trả lời ấp a, ấp úng. Tại sao vậy? Tìm hiểu mới biết, trong gia đình, anh là người độc đoán, cộc cằn thô lỗ. Chỉ một chuyện cỏn con, chưa kịp hỏi trước hỏi sau, anh đã giáng xuống chúng một trận đòn chí mạng, đến vợ anh còn phải sợ. Chị kể, có lần thằng con thứ hai đi học về trễ, vừa thấy bóng nó anh đã ào ra đập nó một trận “thừa sống thiếu chết”. Chị phải nhờ cả hàng xóm can ngăn mới được.Hiện nay, dạy con theo kiểu bạo lực, thô lỗ như vậy còn khá phổ biến. Và “gieo gì thì gặt nấy”. Nhiều em trở nên “lì đòn” và liều mạng “bất cần đời”, đi đâu cũng rất sẵn sàng đánh nhau với bạn.Có thể nói, việc giáo dục, cách thức dạy con cái như thế nào để chúng trở thành người tốt, có ích cho xã hội trong tương lai là cả một nghệ thuật. Tất cả đều xuất phát từ vốn kiến thức, sự hiểu biết và cả tấm lòng bao dung, vị tha của các bậc làm cha làm mẹ.

Nguyên Hạ

.
.
.