.

TỪ MỘT KINH NGHIỆM PHỤ ĐẠO HỌC SINH KÉM

Cập nhật: 10:34, 22/04/2004 (GMT+7)

Trường tiểu học Trương Công Định, đóng trên địa bàn phường 8 (TP. Vũng Tàu), nơi có đến 35% học sinh con em dân tạm trú. Phần lớn con em tạm trú của phường 8 và các phường lân cận vào học trường tiểu học Trương Công Định chậm hơn so với độ tuổi vì sớm phải giúp việc gia đình (như trông em, đi bán vé số…). Đầu vào của trường là nỗi băn khoăn, lo lắng của tập thể nhà trường. “Làm thế nào để hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, nâng dần chất lượng?” là vấn đề bức xúc tại hội nghị của trường bàn về dạy thêm học thêm. Được sự nhất trí của Hội đồng giáo dục, Hội cha mẹ học sinh và của thường trực UBND phường 8, trường “tổ chức các lớp phụ đạo học sinh kém tại trường không thu học phí”. Việc phụ đạo được xác định rõ là nhiệm vụ của giáo viên dạy lớp chính khóa, được chọn trong khối do hiệu trưởng phân công, có kết hợp đôn đốc kiểm tra của giáo viên chủ nhiệm. Dựa trên kết quả học tập của năm trước cùng kết quả khảo sát chất lượng đầu năm để phân loại học sinh, lấy mỗi lớp từ  3 đến 5 học sinh kém vào lớp phụ đạo theo khối. Tuần học hai buổi, buổi 2 tiết. Mỗi lớp hai giáo viên dạy tiếng Việt và Toán theo phương châm “yếu gì phụ đạo nấy”, thật sự kèm cặp, vừa lấp lỗ hổng kiến thức, vừa rèn kỹ năng. Lớp 1, lớp 2 phụ đạo đọc, viết. Lớp 3, lớp 4, lớp 5 phụ đạo Toán và Tập làm văn. Hiệu trưởng trường cũng dành thời gian kiểm tra việc phụ đạo theo định kỳ hoặc đột xuất; thường xuyên đánh giá hiệu quả các buổi dạy phụ đạo, gặp gỡ học sinh chậm tiến và cha mẹ học sinh. Ngoài việc “xóa nghèo” cho học sinh kém về tri thức, trường còn quan tâm giảm bớt khó khăn về đời sống vật chất cho các em như không thu các khoản tiền đóng góp, phát đồng phục và sách vở. Để giảng dạy sát đối tượng học sinh kém ở bậc tiểu học, giáo viên trường tiểu học Trương Công Định đã vận dụng có kết quả phương pháp trực quan. Nhờ vận dụng nguyên tắc sát đối tượng và phương pháp trực quan qua các môn học mà học sinh các lớp phụ đạo có tiến bộ rõ rệt…

 

Việc làm của các thầy cô dạy lớp phụ đạo ở trường Trương Công Định đã nêu gương sáng về tình thương và trách nhiệm, góp phần xóa nghèo về tri thức cùng thói xấu trong học tập của học sinh kém, góp phần xóa nạn dạy thêm học thêm tràn lan. Cái tâm của các thầy, cô giáo dạy lớp phụ đạo học sinh kém ở trường tiểu học Trương Công Định (TP. Vũng Tàu) thật đúng như lời khuyên của Bác Hồ: “… Thương yêu, tôn trọng học sinh như con em ruột thịt của mình”.

 

Trần Kim Đồng
(Phường 2, TP. Vũng Tàu)

.
.
.