.

"Chúng tôi yêu các anh chị nhiều lắm"

Cập nhật: 13:50, 26/08/2021 (GMT+7)

Đó là tình cảm chị Trần Thị Mỹ Dung, tổ 4, ấp Tân Trung, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc dành cho đội ngũ phục vụ tại cơ sở cách ly Trường THPT Hòa Hội.

Những dòng tâm sự của chị Trần Thị Mỹ Dung.
Những dòng tâm sự của chị Trần Thị Mỹ Dung.

Trong lời tâm sự gửi đến lực lượng làm nhiệm vụ ở cơ sở cách ly Trường THPT Hòa Hội, chị Dung viết:

“Nhận được tin phải đi cách ly tập trung như một tiếng sét đánh ngang tai. Bản thân và gia đình vô cùng hoang mang và lo sợ: Sợ rằng mình và gia đình sẽ nhiễm bệnh, sợ rằng phải nằm xuống như bao người bất hạnh khác vì không qua khỏi cơn nguy kịch... Và rồi từ nỗi sợ hãi, tôi đã mang theo vào khu cách ly Trường THPT Hòa Hội một nỗi giận dữ vô cớ khi không được ở cùng phòng với chồng mình, một phần cũng vì thương chồng có bệnh nền trong người, sợ vào đây không ai chăm sóc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng khi được các anh chị phân tích, động viên với những lời lẽ thật gần gũi, ấm áp và thân thương làm cho tôi bình tĩnh trở lại và yên tâm phần nào.

Rồi một ngày, lại hai ngày trôi qua, tôi được thấy sự hòa nhã, nhỏ nhẹ, ân cần động viên thăm hỏi đến từng bà con của các anh. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa cái nắng chang chang làm cho những giọt mồ hôi rơi đầm đìa trên những khuôn mặt vốn dĩ đã chai sạm vì nắng gió, các anh không hề khó chịu hay nhăn nhó mà trái lại là những nụ cười luôn hiện hữu trên môi và các anh luôn sẵn sàng phục vụ bất cứ những gì bà con cần. Ôi! Tình cảm của các anh thật cao quý làm sao, thật đúng với phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Những điều đó đã làm cho tôi và gia đình càng tin tưởng các anh hơn, mọi sự lo lắng và sợ hãi ban đầu đã dần biến mất.

Chị Trần Thị Mỹ Dung tại cơ sở cách ly Trường THPT Hòa Hội.
Chị Trần Thị Mỹ Dung tại cơ sở cách ly Trường THPT Hòa Hội.

Bên cạnh đó, các anh chị nhân viên y tế hết sức dễ thương, vui vẻ, nhiệt tình chăm lo từng ly, từng tí cho sức khỏe bà con không kể ngày đêm: từ chuyện đau bụng, nhức đầu, sổ mũi, đến nỗi chán ăn, mất ngủ, đầy bụng, khó tiêu. Trước khi vào đây, cứ nghĩ ở trong này các anh chị sẽ rất khó chịu như những gì các trang mạng xã hội hay viết. Nhưng mọi chuyện đều trái ngược hoàn toàn, đó là tình cảm chân thành, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của đội ngũ những người thầy thuốc dành cho chúng tôi.

Mỗi đêm về, chúng tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng ngoài kia, chúng tôi biết các anh chị công an, bộ đội và đội ngũ y tế vẫn đang trằn trọc, suy tư và nửa đêm lại phải giật mình thức giấc để tiếp nhận những ca cách ly mới. Họ chỉ thực sự vui vẻ và ngủ ngon khi không còn ai vào đây nữa. Nghĩ về những điều này, nỗi nhớ nhung người thân và gia đình của tôi đã trở thành sự cảm phục vì chỉ 14 ngày mình sẽ được trở về nhưng các anh chị ở đây thì không biết phải đến bao giờ mới được trở về với gia đình của mình. Ở đây họ chăm lo cho chúng tôi như chính người thân của mình nhưng ở nhà ai sẽ chăm lo cho người thân của họ?

Khi hết thời gian cách ly, tôi sẽ được trở về, được vui vẻ với gia đình và người thân của mình, bản thân cảm thấy rất vui nhưng lại có chút không nỡ rời xa nơi này. Vì có lẽ, tự bao giờ tôi đã xem đây như chính gia đình của mình với rất nhiều người thân bên cạnh.

Không biết nói gì hơn, chỉ biết bày tỏ chút tình cảm và lòng biết ơn của mình đến tất cả các anh chị công an, quân đội và đội ngũ y tế. Tôi sẽ luôn nhớ mãi hình ảnh và tình cảm các anh chị dành cho chúng tôi. Cầu mong mau hết dịch để các anh chị được trở về bên gia đình thân yêu của mình. Chúc các anh chị mạnh khỏe, bình an và luôn là chỗ dưạ vững chắc cho nhân dân.

Chúng tôi yêu các anh chị nhiều lắm!”

 

.
.
.