.

CHUYỆN TỬ TẾ: "Quán yêu thương" trong mùa dịch

Cập nhật: 00:02, 14/08/2021 (GMT+7)

Những món ăn không quá cầu kỳ, nhưng luôn đủ dinh dưỡng và đủ làm ấm lòng những người được trao tặng.

Đầu bếp nhà hàng Maxim đang chuẩn bị sốt cho món mì cuối tuần, phục vụ lực lượng dân phòng và y tế tại các chốt.
Đầu bếp nhà hàng Maxim đang chuẩn bị sốt cho món mì cuối tuần, phục vụ lực lượng dân phòng và y tế tại các chốt.

Quán cơm 2000

Mỗi sáng sớm, hàng trăm suất cơm gà nóng hổi lại được 10 người nấu nướng, đóng gói kỹ lưỡng để chuyển đến những người cần. Đó là công việc quen thuộc, đã được duy trì gần chục năm nay ở Quán cơm 2000 (74/26A Trương Công Định, phường 3, TP. Vũng Tàu).

Thành lập từ năm 2013, ban đầu, Quán cơm 2000 là địa chỉ quen thuộc của người nghèo. Rồi đại dịch bùng phát. Chỉ thị 16 được áp dụng, người nghèo không còn cơ hội đến ăn trưa như mọi ngày, Quán cơm 2000 chuyển sang cách trợ giúp khác: phát gạo, mì, rau, thực phẩm thiết yếu đến khách quen của quán. Ngoài ra, Quán cơm 2000 bắt tay vào việc tiếp tế đồ ăn cho công an, y, bác sĩ đang chốt chặn nơi tuyến đầu chống dịch. 

300 hộp mì được nhóm anh Vĩ và quán cơm 2.000 chuyển đến tận tay những y bác sĩ, lực lượng gác chốt phòng chống COVID-19 TP.Vũng Tàu.
300 hộp mì được nhóm anh Vĩ và quán cơm 2.000 chuyển đến tận tay những y bác sĩ, lực lượng gác chốt phòng chống COVID-19 TP.Vũng Tàu.

“Mỗi phần cơm, chúng tôi cố gắng có được món mặn, canh, kèm theo món tráng miệng, nước trái cây để người nhận có một bữa ăn trọn vẹn nhất. Chúng tôi lên danh sách các điểm cần chuyển, sau đó xe ô tô sẽ đến từng điểm trao cơm cho mọi người”, bà Hoàng Thị Kim Ngân, đồng sáng lập Quán cơm 2.000 đồng cho biết.

Ngoài công việc hàng ngày ở Quán cơm 2000, nhóm còn chuẩn bị những món ăn đặc biệt vào cuối tuần, thường sẽ được chế biến tại cơ sở của mạnh thường quân - Nhà hàng Maxim (36 Nguyễn Thái Học, phường 7, TP. Vũng Tàu). Chủ nhật vừa qua, bếp đã phục vụ hơn 300 suất mỳ Efu cho các phường. Đây là một món đầy đủ dinh dưỡng với mỳ sợi thủ công, tôm viên, nấm đông cô và nước sốt đặc biệt của nhà hàng. Để đảm bảo an toàn, phần ăn sẽ được đánh dấu cho từng phường và sắp xếp gọn trên bàn, chờ đại diện mỗi khu vực đến lấy.

Các phần ăn được đại diện phường 5 đưa lên xe 16 chỗ để vận chuyển về các điểm phân phát.
Các phần ăn được đại diện phường 5 đưa lên xe 16 chỗ để vận chuyển về các điểm phân phát.

Ông Lương Chí Vĩ, Giám đốc Nhà hàng Maxim cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo sự lan tỏa, giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn. Đồng thời góp sức chung tay hỗ trợ tuyến đầu như bác sĩ để có bữa cơm ngon, giữ gìn sức khỏe để chống dịch. Hy vọng dịch mau qua!”

…Bếp ăn đoàn thanh niên

4 giờ 30 sáng, chị Phạm Thị Nga (đường Cao Văn Ngọc, KP.Tân Phú, TX. Phú Mỹ) đã dậy đi chợ. Hôm nay, chị phụ trách món rau muống xào tỏi, canh bí đỏ thịt bằm, kèm món sữa bắp tráng miệng. Những món chị làm đủ cho các chốt trực trên địa bàn xã Tóc Tiên và TTYT TX. Phú Mỹ. Chị chuẩn bị 50 trái bắp để nấu sữa, 5 trái bí đỏ lớn nấu canh và khoảng 15 kg rau muống. Một số ĐVTN có mặt sớm, phụ chị Nga lặt, rửa rau, bóc tỏi, gọt bí chuẩn bị nguyên liệu... “Bình thường, tôi chỉ nấu cho gia đình nhỏ của mình. Nên mấy ngày đầu khi nấu hàng chục phần ăn, tôi khá lúng túng. Nhưng dần dần cũng quen, từ việc tính nguyên liệu cho đến khâu chế biến đều ổn hơn. Mỗi ngày chúng tôi đều tự lên thực đơn để suất cơm luôn mới”, chị Nga cho hay. Cùng với chị Nga, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (khu phố Trảng Cát) phụ trách nấu cơm, chị Nguyễn Thị Tuyết Kha (Bí thư Thị đoàn) nấu món mặn. Ngoài ra, còn có sự chung tay góp sức của nhiều ĐVTN, tình nguyện viên để các bữa ăn được đúng giờ.

Các ĐVTN tranh thủ buổi sáng tới sớm, phụ chị Nga lặt rau, chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn.
Các ĐVTN tranh thủ buổi sáng tới sớm, phụ chị Nga lặt rau, chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn.

Khoảng 8 giờ 30 sáng, các món ăn được hoàn thành, “tập kết” tại nhà chị Nga để vào hộp, vận chuyển đến các địa điểm. Các ĐVTN chia thành nhóm, nhóm đi theo hướng xã Tóc Tiên, nhóm giao từng chốt tại TX.Phú Mỹ, nhóm thì giao cơm đến TTYT Phú Mỹ. “Do các ĐVTN phần lớn đang đi làm, đi học, nên việc nấu ăn được đẩy lên sớm hơn 1 chút để mọi người vẫn bảo đảm việc cơ quan. Riêng ngày thứ Bảy, Chủ nhật, chúng tôi thường nấu và giao cơm đến các lực lượng vào trước 11 giờ trưa”, chị Kha cho biết.

Anh Chu Minh Duy, dân quân tự vệ tại chốt bảo vệ vùng xanh phường Tân Phú chia sẻ, anh tham gia trực chốt gần 3 tuần. Mấy hôm đầu,  anh em trong chốt thay phiên nhau về nhà ăn trưa, đến ngày thứ 3 thì có cơm do ĐVTN mang tới. “Cơm nóng, canh ngọt, đồ ăn nấu vừa miệng. Chúng tôi rất mừng vì được quan tâm. Mọi người yên tâm trực chốt”, anh Duy chia sẻ. Tại TTYT TX.Phú Mỹ, nơi thời gian qua các lực lượng đều luôn trong tâm thế “trực chiến” chống dịch. Những phần cơm nghĩa tình, khiến đội ngũ y, bác sĩ rất cảm động. “Thời gian này, chúng tôi luôn làm việc với công suất cao để phòng, chống dịch. Những bữa cơm nóng do ĐVTN gửi tặng khiến chúng tôi rất ấm lòng. Sự chia sẻ này giúp chúng tôi được tiếp thêm động lực để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”, nữ hộ sinh Mai Thị Hà chia sẻ.

ĐVTN giao cơm tới chốt trực tại khu phố Tân Phú, phường Phú Mỹ.
ĐVTN giao cơm tới chốt trực tại khu phố Tân Phú, phường Phú Mỹ.

Theo Bí thư Thị đoàn Phú Mỹ, Nguyễn Thị Tuyết Kha, nhận thấy các lực lượng trực chốt, đội ngũ y, bác sĩ làm việc vất vả, nhiều khi bận rộn không có thời gian ăn trưa, nên các ĐVTN đã cùng nấu ăn. Mỗi ngày, các ĐVTN nấu từ 90-150 suất. “Gạo, rau củ và tiền mua nguyên liệu được các nhà hảo tâm tặng, chúng tôi chỉ bỏ công, góp sức mình. Ngoài suất ăn, chúng tôi cũng chủ động nấu trà tắc, sữa gạo, sữa bắp, chè... để các cô chú, anh chị giải khát, tỉnh táo trong công việc”. Dịch bệnh đang phức tạp, ĐVTN chúng tôi mong muốn góp sức trẻ của mình cùng với mọi người, mọi nhà chung ta vượt qua đại dịch.

QUỐC THÁI - MINH THANH

Chuẩn bị các phần cơm tại nhà hàng cơm 2000.
Chuẩn bị các phần cơm tại nhà hàng cơm 2000.

 

.
.
.