.

Chuyện về "ông 3 giỏi"

Cập nhật: 20:21, 19/05/2021 (GMT+7)

Rời xa quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, dù mang theo thương tật, nhưng ông luôn hăng hái, tích cực thi đua lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, giúp đỡ đồng đội, bà con lối xóm. Đó là cựu chiến binh Trần Văn Khiêm (ấp Phước Tân, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa), người đàn ông được biết đến với biệt danh “ông 3 giỏi”.

Ông Trần Văn Khiêm (ngoài cùng bên trái) cùng với cán bộ, hội viên nòng cốt Hội CCB xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa) trong 1 buổi sinh hoạt.
Ông Trần Văn Khiêm (ngoài cùng bên trái) cùng với cán bộ, hội viên nòng cốt Hội CCB xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa) trong 1 buổi sinh hoạt.

Những ngày này, đến ấp Phước Tân 1 (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa), đi trên con đường đổ bê tông bằng phẳng dẫn vào trụ sở ấp, chúng tôi được bà con nơi đây kể về ông Trần Văn Khiêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp. Ông được người dân trìu mến gọi với cái tên  “ông 3 giỏi”. Ông Đặng Đình Danh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Tân Hưng lý giải về “3 giỏi” được người dân nhắc đến, đó là: giỏi việc kinh tế, giỏi việc gia đình và giỏi việc xã hội.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa, năm 1985 chàng trai trẻ Trần Văn Khiêm (SN 1963) nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, làm lính trinh sát tại Trung đoàn 266, Sư đoàn 13 (Quân khu 2), ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). Đến năm 1987, ông rời quân ngũ trở về quê hương, mang trong mình thương tật 16%.

Năm 1996, ông cùng vợ con vào ấp Phước Tân 1 (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) sinh sống, lập nghiệp. Ở vùng quê mới, vợ chồng ông bươn chải đủ nghề trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Sau 1 thời gian tích góp, dành dụm, ông Khiêm mua 3 sào đất và bắt đầu nghề trồng rau. Nhờ luôn chịu khó và biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nghề trồng rau đã mang lại cho gia đình ông Khiêm nguồn thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Khi tìm được hướng đi đúng đắn để làm giàu từ trồng rau, ông nhiệt tình hỗ trợ bà con về giống rau, phân bón và chia sẻ cho họ kinh nghiệm. Ông Khiêm còn tự đi tìm đầu mối thu mua rau, giới thiệu cho bà con bán rau trực tiếp không qua khâu trung gian để thu nhập khá hơn.

Năm 2011, ông Trần Văn Khiêm được bà con tín nhiệm, bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành ấp Phước Tân 1. Dù ở cương vị nào, ông luôn là người tích cực đóng góp cho việc làng, việc xóm. Trong ấp Phước Tân 1 có gia đình anh Hà Hữu Nghĩa hoàn cảnh khó khăn. Nhà ở xiêu vẹo, không có đất sản xuất, công việc làm thuê bấp bênh. Để giúp gia đình anh Nghĩa thoát nghèo bền vững, năm 2015, ông Khiêm bàn với gia đình bán cho anh Nghĩa 150m2 đất với giá 15 triệu đồng, trả góp trong 10 năm. Đồng thời hỗ trợ giống rau, phân bón, chia sẻ kinh nghiệm trồng tỉa.

Từ năm 2016 đến nay, ông Khiêm cùng với Ban điều hành ấp vận động người dân đóng góp trên 500 triệu đồng để xây dựng 1.200m đường của 7 con hẻm trong ấp.

Nhận thấy khoảng sân có diện tích khoảng 150m2 của trụ sở ấp Phước Tân 1 bề mặt bị bong tróc, lộ rõ đá sỏi, không có mái hiên che nắng, che mưa. Nhiều buổi sinh hoạt, chương trình tuyên truyền, vận động gặp khó khăn khi thực hiện tại trụ sở ấp. Để lắp đặt mái hiên và bê tông hóa khoảng sân cần số tiền khoảng 50 triệu đồng. Tháng 1/2021, phối hợp với ban ấp, ông Khiêm vận động người dân, hội viên CCB đóng góp tiền bạc, ngày công cùng nhau thực hiện. Chỉ sau 1 tháng, công trình hoàn thành.

Cống thoát nước trên tuyến đường số 9 đi vào ấp Tân Hưng 1  được ông Trần Văn Khiêm vận động người dân nạo vét, bê tông hóa 2 bên.
Cống thoát nước trên tuyến đường số 9 đi vào ấp Tân Hưng 1 được ông Trần Văn Khiêm vận động người dân nạo vét, bê tông hóa 2 bên.

Vui mừng, phấn khởi trước diện mạo ngày một khang trang, sạch đẹp của thôn ấp, bà Nguyễn Thị Xuân Lan (tổ 9, ấp Phước Tân 1) cho biết, trước đây, hầu hết những con đường đi trong ấp đều là đường mòn nhỏ hẹp, mùa mưa thường ngập úng, sình lầy, nhiều khúc cua nguy hiểm. Từ ngày ông Khiêm làm Bí thư Chi bộ, ông đã đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, cùng chung tay làm đường, làm cống thoát nước…Nhờ vậy đường vào ấp Phước Tân 1, hẻm đến từng nhà dân đã được bê tông hóa, mặt đường bằng phẳng; nhiều khúc cua ngoặt được mở rộng, không còn xảy ra tai nạn, va quẹt như trước. Ông Khiêm còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, vận động mua 45 thùng rác với số tiền 54 triệu đồng đặt trong ấp, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt… “Ông Khiêm là một cán bộ luôn nhiệt tình, gần gũi, là điểm tựa tin cậy của người dân trong ấp. Trong công việc ông không quản ngại khó khăn, góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo ấp, là cán bộ gương mẫu, xứng danh bộ đội cụ Hồ”, bà Lan chia sẻ.

Tham gia Hội CCB xã Tân Hưng, ông Khiêm là 1 trong những người tiên phong xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội. Mỗi tháng ông đóng góp hơn 2 triệu đồng vào Quỹ và vận động nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ để có thêm nguồn vốn giúp đỡ cho những đồng đội khó khăn.

Ông Đặng Đình Danh nhận xét: “Phát huy phẩm chất truyền thống bộ đội cụ Hồ, ông Trần Văn Khiêm luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, gần gũi với hội viên trong hội, nhân dân trong ấp và những vùng lân cận, sẵn sàng giúp đỡ bà con, hội viên về ngày công, cây giống, giải quyết các công việc có tình có lý, hợp lòng dân… Trong sinh hoạt của hội, ông luôn nghiêm túc, sôi nổi, chấp hành tốt các quy định. Ông Khiêm là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

.
.
.