.

Không vì bão xa mà chủ quan

Cập nhật: 17:16, 06/09/2024 (GMT+7)

Không nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp bởi siêu bão Yagi, nhưng các địa phương, DN và người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cẩn trọng, thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Côn Đảo đã cấm xuất bến ca nô chở khách, tàu đánh cá, khai thác hải sản, vận tải… khi biển động, gió lớn  từ cấp 6. Trong ảnh: Các phương tiện thủy nội địa, ca nô neo đậu tại Côn Đảo. Ảnh: KB
Côn Đảo đã cấm xuất bến ca nô chở khách, tàu đánh cá, khai thác hải sản, vận tải… khi biển động, gió lớn từ cấp 6. Trong ảnh: Các phương tiện thủy nội địa, ca nô neo đậu tại Côn Đảo. Ảnh: KB

“Báo động đỏ” ở các vùng biển, đảo

Với sức ảnh hưởng rất mạnh của siêu bão Yagi, vùng biển, đảo Bà Rịa-Vũng Tàu được dự báo xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính quyền, DN và người dân tại các vùng có nguy cơ mất an toàn cao chủ động phòng, chống bão từ sớm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) yêu cầu các đơn vị thành viên thông báo tới các nhà thầu liên quan, duy trì trực ban, trực chỉ huy 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Bảo đảm các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên vị trí, đường đi của bão chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Kích hoạt ngay kế hoạch, quy trình ứng phó với bão gần, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản và hỗ trợ các đơn vị khác khi được yêu cầu. Đặc biệt, khẩn trương sơ tán người lao động ra khỏi các công trình dầu khí ngoài khơi được dự báo trong vùng nguy hiểm.

Còn tại Côn Đảo, ông Nguyễn Tấn Quyền, Giám đốc Công ty Bamboo Adventure (Khu dân cư số 6) cho biết, hơn 1 tuần qua, DN chỉ tổ chức cho du khách đi các tour leo núi, đi rừng mà không tổ chức tour biển để bảo đảm an toàn. Tàu cao tốc Vũng Tàu-Côn Đảo cũng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 7 và 8/9/2024.

Bà Phan Thị Tím, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Côn Đảo thông tin thêm, từ cuối tháng 8, khi có gió cấp 5, biển động nhẹ, cơ quan chức năng đã tạm thời ngừng cấp phép cho phương tiện thủy nội địa (ca nô chở khách) xuất bến ở Bến cảng tàu khách. “Với các tàu đánh cá, khai thác, vận tải thủy sản không hoạt động trong vùng có bão và quay về khu trú bão, không xuất bến khi bão mạnh, gió lớn từ cấp 6 trở lên”, bà Tím cho biết. 

Cùng với đó, các Đài Thông tin duyên hải, cảng vụ hàng hải liên tục phát cảnh báo vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của siêu bão Yagi trên Biển Đông để các tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động di chuyển, tránh trú an toàn. Trường hợp tàu thuyền rời cảng, khuyến cáo cho tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm của thiên tai, đặc biệt lưu ý đối với các tàu biển mang cấp hạn chế 3 và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB.

Công nhân Công ty cây xanh (Thuộc Công ty CP dịch vụ môi trường đô thị Tân Thành) cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cho cây, phòng chống cây xanh gãy đổ.
Công nhân Công ty cây xanh (Thuộc Công ty CP dịch vụ môi trường đô thị Tân Thành) cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cho cây, phòng chống cây xanh gãy đổ.

Trong bờ cũng không chủ quan

Không chỉ tại các vùng biển, đảo có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi siêu bão, các địa phương khác của tỉnh cũng đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các huyện, thành phố đã khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành, bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực, duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại khi có cây xanh gãy đổ cũng là yêu cầu cấp bách. Theo Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC), dự báo mưa to kèm theo giông lốc làm gia tăng nguy cơ cây xanh gãy đổ, do đó, DN đã tổ chức rà soát các cây sâu mục, ưu tiên chặt hạ trước. UPC cũng đã thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống thiên tai, thành lập lực lượng phối hợp với 5 đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ tuần tra, giám sát, chỉ huy trực tiếp tại công trường giải tỏa cây xanh, bố trí phương tiện tránh ùn tắc giao thông khi có cây xanh gãy đổ...

Các DN, đơn vị quản lý và chăm sóc cây xanh tại các địa phương khác cũng đã sẵn sàng máy móc, thiết bị và lực lượng ứng trực 24/24 để khắc phục nhanh nhất khi có sự cố liên quan đến cây xanh. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân hạn chế tham gia giao thông khi có mưa to, gió lớn; không tránh trú mưa dưới cây xanh…

Nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang rốt ráo nhiều giải pháp tránh “ngập ruộng, chết cây” dẫn đến mất mùa. Tại các vùng trồng lúa, rau màu và cây lâu năm, bà con đều tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích đã đủ điều kiện; chủ động kiểm tra hệ thống đập, kênh mương thủy lợi, tháo hết nước để giảm nguy cơ ngập úng khi mưa lớn; cắt tỉa cành với những cây lâu năm nhằm giảm nguy cơ gãy, đổ.

Các vùng nuôi trồng thủy sản, bà con cũng chuẩn bị sẵn hệ thống máy bơm nước, máy tạo oxy để sử dụng khi cần thiết. Với các ao, đùng nuôi có nguy cơ ngập úng dài ngày, nông dân lên kế hoạch và ao, đùng nuôi dự phòng để chuyển thủy sản đề  phòng mưa lớn.

NHÓM PV

 
.
.
.