.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới-Bệnh không thể coi thường

Cập nhật: 16:06, 06/09/2024 (GMT+7)

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là chứng bệnh thường xảy đến ở những người trên 50 tuổi có cơ địa béo phì, nghiện thuốc lá, ít vận động. Nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam do trong quá trình mang thai, thai nhi gây chèn ép, cản trở việc lưu thông máu ở tĩnh mạch. Nó còn xảy ra với những người trẻ tuổi do công việc nên phải đứng liên tục nhiều giờ trong ngày và kéo dài từ ngày này qua tháng khác.

Bắp chân nổi những mạch máu nhỏ ngoằn nghèo, dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Bắp chân nổi những mạch máu nhỏ ngoằn nghèo, dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới xảy ra khi máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại dưới chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường, dẫn đến áp lực trong lòng tĩnh mạch tăng cao khiến tĩnh mạch giãn ra. Nó biểu hiện bằng các hình thức như thoạt đầu, người bệnh thấy nặng chân, mang giày, dép thấy chật hơn bình thường và nếu không để ý, không đi thăm khám, người bệnh sẽ thấy chân phù nhẹ khi đứng hoặc ngồi lâu, có cảm giác như kim châm hay kiến bò ở vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm, ở bắp chân nổi lên những mạch máu nhỏ màu xanh tím, ngoằn ngoèo như mạng nhện. Nếu tĩnh mạch giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không, các dấu hiệu ấy có thể tự biến mất nhưng bệnh thì không mất.

Khi bệnh đã bắt đầu chuyển biến nặng, người bệnh phù ở mắt cá, bàn chân. Màu sắc của da ở vùng cẳng chân thay đổi, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn gây đau tức. Nặng hơn nữa là các búi tĩnh mạch thường xuyên nổi to trên da. Khi giãn tĩnh mạch bước vào giai đoạn biến chứng, tĩnh mạch nông giãn to thành búi rồi bị viêm, tạo huyết khối trong lòng mạch máu, loét do thiểu dưỡng tạo thành những ổ loét, nhiễm trùng…

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Ngay khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như vừa nêu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm bằng phương pháp siêu âm Doppler mạch máu để xác định mức độ bệnh lý. Tiếp theo, tùy từng mức độ, bác sĩ chuyên khoa sẽ áp dụng các liệu pháp điều trị như loại bỏ tĩnh mạch nông bị giãn bằng cách phẫu thuật hoặc chiếu tia laser, hoặc sóng cao tần, trong đó phẫu thuật lột bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ chuyên dùng, luồn trong lòng mạch là phương pháp điều trị triệt để, có tỷ lệ tái phát thấp nhất.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể áp dụng phẫu thuật CHIVA, chỉ cắt bỏ van bị tổn thương và tĩnh mạch bàng hệ, hoặc áp dụng chích xơ tĩnh mạch, bơm keo sinh học. Theo đó, bác sĩ sẽ mổ một đường nhỏ ở giữa cẳng chân để luồn một chiếc ống vào trong lòng tĩnh mạch bị giãn, keo sinh học được bơm vào sẽ bám dính trong lòng tĩnh mạch, ép chặt để tĩnh mạch không bị giãn trở lại, người bệnh sẽ hồi phục nhanh và có thể đi lại sớm, nguy cơ tái phát gần như không có.

Phần lớn người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đều nghĩ rằng nếu đã bị thì không nên đi bộ. Đây là quan niệm sai lầm, bởi lẽ khi đi bộ, chúng ta đều phải nhấc chân lên, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân sẽ được đẩy vào các tĩnh mạch sâu của vùng cẳng chân. Tiếp theo, động tác co cơ bắp chân giúp đẩy máu đi lên tĩnh mạch vùng đùi. Hiện tượng này lập đi lập lại theo mỗi bước chân nên tình trạng tắc nghẽn cũng như áp lực ở các tĩnh mạch nông sẽ giảm. Các nghiên cứu cho thấy những người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới đi bộ hơn 10 phút mỗi ngày ít có nguy cơ loét chân hơn những bệnh nhân không đi.

Sau khi phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân sẽ được cho mang vớ tĩnh mạch từ 10 đến 15 ngày để tránh phù chân. Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện biện pháp ngâm chân tại nhà trong nước lạnh, nhiệt độ từ 10 đến 15 độ C, mỗi lần khoảng 10 phút. Tuyệt đối không ngâm bằng nước nóng vì nó có thể khiến tĩnh mạch giãn thêm mặc dù ngâm nước nóng, người bệnh sẽ thấy giảm đau nhanh hơn.

Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Giảm cân ở người béo phì là biện pháp hàng đầu nhằm ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bằng cách áp dụng chế độ ăn ít chất béo (mỡ động vật, bơ, pho mai, trứng, sữa…), ít chất đường (các loại bánh ngọt, nước ngọt, kẹo), tăng cường rau xanh, trái cây, các loại hạt ngũ cốc, thường xuyên tập những môn thể dục đơn giản (đi bộ, đi xe đạp, bơi lội).

Với những người phải làm việc kéo dài trong tư thế đứng hoặc ngồi, nếu có thể được thì cứ 1 tiếng, đi bộ khoảng 10 phút. Đến chiều hoặc tối khi về tới nhà, đi bộ thêm 30 phút trước lúc ăn cơm (có thể đi tại chỗ). Giai đoạn đầu khi mới đi, có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau chân nhưng đừng vội bỏ cuộc vì chân sẽ quen dần.

Bỏ hẳn thuốc lá, bia rượu nếu nghiện. Nếu đã bị loét chân do suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cần được điều trị cho lành hẳn rồi mới bắt đầu đi bộ…

Ths, Bs CAO HỮU TRÌ

 
.
.
.