.

Ly hôn xanh, vì đâu nên nỗi?

Cập nhật: 16:06, 06/09/2024 (GMT+7)

Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm gần đây xuất hiện nhiều. Thuật ngữ "ly hôn xanh" được dùng để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng chưa cần tới 5 năm, rất nhiều cặp vợ chồng đã vội vã ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn.

Cũng chính vì yêu nhanh, cưới vội mà chỉ trong 5 năm đầu chung sống, rất nhiều cặp  vợ chồng đã vội vã ly hôn.
Cũng chính vì yêu nhanh, cưới vội mà chỉ trong 5 năm đầu chung sống, rất nhiều cặp vợ chồng đã vội vã ly hôn.

Yêu nhanh, cưới vội thì sớm ra tòa

Trong một lần trò chuyện về đề tài hôn nhân, Kiều Oanh (22 tuổi, TP.Vũng Tàu) tuyên bố rõ ràng rằng mình rất sợ kết hôn và thề không bao giờ dính líu đến một người đàn ông nào nữa sau 2 lần ly hôn trong gần 2 năm.

Kiều Oanh cho biết, 4 năm trước, cô từng yêu chàng trai hơn cô 2 tuổi. Vốn sinh ra trong gia đình khá giả, nên khi biết cô yêu chàng trai là thợ bốc vác, cha mẹ, anh chị em, họ hàng quyết liệt cấm cản với lý do "khác biệt về gia cảnh, trình độ học vấn". Tuy nhiên, vì yêu quá nên hai người trẻ vẫn cố tình có thai rồi cưới. Để rồi đứa trẻ chưa kịp chào đời, Oanh phát hiện chồng ngoại tình. Không giải thích, người chồng bỏ nhà theo nhân tình, bỏ mặc vợ bị trầm cảm.

Khi con trai gần 1 tuổi, Oanh đi bước nữa. Chồng mới là đồng nghiệp cùng công ty. Oanh kể, đối phương chăm sóc hai mẹ con chu đáo, khiến người từng đổ vỡ trong hôn nhân như cô động lòng. Nhưng về chung nhà được 3 tháng, mỗi lúc mâu thuẫn anh lại lấy đứa con riêng ra xúc phạm, cho rằng vợ may mắn mới cưới được mình. Nhiều lần bị bạo lực tinh thần, tình trạng kéo dài khiến cô đâm đơn ly hôn, mẹ con lại về nhà ngoại.

Tương tự, Bảo Ngọc và Huy Quang (22 tuổi) từng là bạn học trước khi tiến đến hôn nhân. Họ có một tình yêu lãng mạn từ năm lớp 12 theo kiểu học trò và có rất nhiều sở thích giống nhau nên quyết định tiến tới hôn nhân ngay sau khi rời ghế nhà trường 2 năm.

Mọi thứ chỉ bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt khi Ngọc nhận thấy Quang vẫn khá trẻ con sau khi lập gia đình, anh thích tụ tập bạn bè, thích đọc truyện tranh và rất nghe lời vợ nhưng nghe đến nỗi... bảo gì làm đó. Sau vài lần cãi cọ, Quang bảo rằng: “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, đã là tính cách thì không thể sửa đổi. Ngọc tức tối đùng đùng xách va li về nhà mẹ ruột trong khi đã mang thai được 4 tháng.

Cả hai cùng tự ái và không chịu xuống nước nên thời gian dần trôi, sau gần 1 năm tình hình vẫn không có gì thay đổi. Sinh con và phải một mình chăm sóc càng làm cho Ngọc uất ức, cô quyết viết đơn ly dị vì “thà không có chồng còn hơn mang tiếng có chồng mà phải sống trong cảnh này”.

Khi yêu, đừng nên vội vã

Thống kê mới đây của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho biết, có đến 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày mà giới chuyên môn gọi là "ly hôn xanh". Bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%.

Thống kê cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. Trong đó có 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%.

Khác với các người con có cha mẹ ly hôn sau nhiều năm chung sống, những đứa trẻ trong các cuộc “ly hôn xanh” của các cặp đôi trẻ thường là bé từ 1-4 tuổi. Chúng phải gánh chịu sang chấn tâm lý đầu đời nặng nề hơn. Nhiều người cho rằng, ly hôn khi con còn quá nhỏ, chúng chưa biết gì, sẽ ít ảnh hưởng hơn là suy nghĩ sai lầm.

Hơn nữa, những cặp đôi “ly hôn xanh” còn trẻ thì tái hôn hầu như chiếm đến hơn 99%. Con cái rơi vào tình cảnh cha dượng mẹ kế, “con ông con bà con chúng ta” là không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, có không ít trường hợp các cặp “ly hôn xanh” khi tái hôn không thể nuôi con, phải gửi lại cho ông bà nội ngoại, vô hình trung biến các ông bà trở thành những “nạn nhân thụ động”.

Khi quyết định chọn một người để kết hôn, ai cũng cần thời gian nhằm tìm hiểu kỹ đối tượng của mình từ gia cảnh, lối sống, tính cách... Đồng thời, có kế hoạch về kinh tế, công việc để nuôi sống gia đình. Nhưng nếu yêu nhanh, cưới vội sẽ không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ càng những điều này. Đến lúc về sống chung không có sự đồng điệu, hai người dần sẽ chán nhau và hôn nhân dần trở nên nguội lạnh. Tiền bạc thiếu trước hụt sau, mâu thuẫn âm ỉ không giải quyết tới nơi, chuyện bé xé ra to thì nguy cơ đổ vỡ hôn nhân chỉ là điều sớm muộn.

Không hẳn mọi đám cưới bắt nguồn từ những cuộc tình vội vã đều kết thúc tại tòa án. Nhưng không hiếm cặp vợ chồng trẻ chỉ thời gian ngắn chung sống đã vội đưa nhau ra tòa và để lại sự hối hận. Thường thì, điều này rơi vào những cặp đôi chóng vánh tìm hiểu, yêu đương, khi về sống với nhau không như ý muốn. Bởi không tìm hiểu kỹ được "nửa kia" của mình và vội vàng chấp nhận, về sống chung bất đồng dễ xảy ra.

Gia đình là chốn mà không thể phá đi là lập tức có thể xây dựng lại được vì dù có xây lại đi nữa, hậu quả vẫn còn. Nền tảng quan trọng cần có trong hôn nhân là cả quá trình yêu, thấu hiểu, chấp nhận, trách nhiệm với nhau. Do đó, các bạn trẻ cần cho bản thân mình thời gian để biết cách chọn đúng người, đúng thời điểm, thay vì tiếp tục sai lầm lần nữa.

XUÂN SANG

 
.
.
.