.

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Kỳ 2: Đồng bào vươn lên làm giàu

Cập nhật: 18:30, 15/04/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Đi nhiều nơi, chúng tôi lắng nghe được nhiều câu chuyện về những người dân tộc thiểu số có ý chí, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế từ sự hỗ trợ của chính quyền.

Anh Đào Văn Tâm (dân tộc Châu Ro, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) luôn chăm chỉ làm ăn và vươn lên làm giàu.
Anh Đào Văn Tâm (dân tộc Châu Ro, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) luôn chăm chỉ làm ăn và vươn lên làm giàu.

Vươn lên làm giàu

Bằng sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, anh Voòng Cỏng Mềnh (dân tộc Hoa, tổ 1, ấp Sông Xoài, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) nhanh chóng nắm bắt cơ hội, gia nhập HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch ngay từ những ngày đầu HTX thành lập - năm 2022. Khi vào HTX, anh được lợi nhiều thứ.

Anh Mềnh cho hay: “HTX thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi nên tôi học hỏi được nhiều cách hay, giúp vườn bưởi năng suất hơn trước. HTX cũng thu mua bưởi luôn nên tôi yên tâm đầu ra. Có lúc, tôi bán được giá lắm, 30.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng so với mình tự bán cho thương lái”.

Được HTX hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, lại được bao tiêu sản phẩm, từ 1ha bưởi ban đầu, nay anh Mềnh đã mở rộng lên thành 3ha.

HTX bưởi da xanh Hắc Dịch, có 40 thành viên, trong đó có 15 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị, bưởi da xanh vươn xa đến các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... Trừ chi phí, mỗi năm, các thành viên HTX thu nhập từ 300 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/người.

Anh Voòng Cỏng Mềnh (dân tộc Hoa, tổ 1, ấp Sông Xoài, xã Sông Xoài, trái) tham gia HTX bưởi da xanh Hắc Dịch để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Voòng Cỏng Mềnh (dân tộc Hoa, tổ 1, ấp Sông Xoài, xã Sông Xoài, trái) tham gia HTX bưởi da xanh Hắc Dịch để phát triển kinh tế gia đình.

Còn ông Thùng Tống Sình (dân tộc Hoa, tổ 2, ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) cũng cần cù, siêng năng, làm giàu từ trồng bưởi. Trung bình mỗi năm, vườn bưởi của ông cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ông Ngô Hùng Lý, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc TX.Phú Mỹ xác nhận, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sông Xoài, Hắc Dịch cố gắng làm ăn, trở thành giàu có. Chuyện nhiều hộ đồng bào có điều kiện kinh tế, mỗi nhà mua từ 1-2 chiếc ô tô là bình thường ở vùng trồng bưởi da xanh Sông Xoài, Hắc Dịch. Họ cũng xây được những ngôi nhà khang trang, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn.

Đến xã Đá Bạc (huyện Châu Đức), hỏi thăm nhà anh Đào Văn Tâm (dân tộc Châu Ro), rất nhiều người biết. Anh Tâm siêng năng, làm đủ nghề, cuộc sống khấm khá. Vừa trồng lúa, trồng tiêu, anh kiêm còn nuôi heo và làm dịch vụ cày xới đất thuê, cuốn rơm. Bên cạnh đó, anh cùng vợ còn mở cửa hàng tạp hóa và làm thêm dịch vụ nấu ăn. “Siêng nhặt chặt bị”, chịu khó làm ăn, trung bình mỗi năm, anh Tâm thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

“Để được như ngày hôm nay là tôi được hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Cụ thể, năm 2000, tôi vay ngân hàng 15 triệu đồng để mua máy cày làm dịch vụ cày đất thuê. Vừa làm vừa trả nợ và tích cóp dần dần, tôi đổi được xe máy cày lớn, mua thêm đất để sản xuất”, anh Tâm nhớ lại.

Người nghèo, khó khăn được trao cơ hội

Ông Thùng Tống Sình (dân tộc Hoa, tổ 2, ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài) chăm sóc vườn bưởi của gia đình.
Ông Thùng Tống Sình (dân tộc Hoa, tổ 2, ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài) chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Tháng 10/2023, bà Cúp Sập Mùi (dân tộc Hoa, ở ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài) được Hội LHPN TX.Phú Mỹ trao 50 con gà giống để phát triển kinh tế gia đình. Đây là hoạt động “tiếp sức” ý nghĩa của Hội LHPN TX.Phú Mỹ giúp cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Qua thời gian chăm sóc, đàn gà của bà đã lớn, bán gà thịt và trứng, bà Mùi có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Cùng với bà Mùi, nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn khác được MTTQ, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ “cần câu”, tạo đà để nâng cao đời sống.

Năm 2022, UBND tỉnh ban hành văn bản 11926/UBND-VP ngày 27/9/2022, phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh năm 2022. Trong đó, UBND tỉnh giao cho Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTTN) hỗ trợ cho 70 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình chăn nuôi bò, dê, heo... với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Theo Hội LHPN tỉnh, triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến 2023, các cấp Hội đã giới thiệu cho 354 hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số vay vốn ngân hàng chính sách - xã hội để phát triển kinh tế gia đình, với số tiền hơn 15,8 tỷ đồng. Dự án cũng giúp 853 phụ nữ dân tộc thiểu số vay vốn nhóm phụ nữ tiết kiệm, với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng và giúp cho nhiều hội viên phụ nữ vay không tính lãi, với số tiền hơn 312 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2023, với kinh phí 2,4 tỷ đồng, UBND tỉnh giao Sở NN&PTTN tiếp tục phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ phát triển sản xuất cho 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ khó khăn thiếu đất sản xuất.

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ đó, việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang từng bước được cải thiện rõ rệt về nhiều mặt”.

Bài, ảnh: THI PHONG

(Còn nữa)

.
.
.