.

Nghĩ mới, làm mới vì phụ nữ dân tộc thiểu số

Cập nhật: 16:16, 24/11/2023 (GMT+7)

Dự án 8 “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua, thực hiện dự án này, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp các cấp chính quyền, các ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp quan trọng, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Lễ ra mắt mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).
Lễ ra mắt mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tại thôn Lồ Ồ (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có khoảng trên 30 ngàn người DTTS với 38 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Hoa và Chơ Ro chiếm chủ yếu và có thời gian cư trú lâu nhất. Thực hiện Dự án 8, toàn tỉnh có 22 xã với 29 thôn, ấp vùng đồng bào DTTS được thụ hưởng từ dự án.

Ông Đào Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, thôn Lồ Ồ có 170 hộ với 797 nhân khẩu, trong đó đa phần là DTTS. Do điều kiện kinh tế của một số hộ DTTS còn khó khăn, đồng bào dân tộc trong thôn còn nhiều định kiến về giới. Đa số các hộ còn giao việc quán xuyến gia đình cho nữ giới (chiếm khoảng 70%). Phụ nữ trong gia đình cũng ít được tham gia hội họp  và các hoạt động xã hội.

Thụ hưởng từ Dự án 8, Chi bộ, Chi hội Phụ nữ thôn Lồ Ồ đã triển khai mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” với sự tham gia của 16 thành viên gồm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, cán bộ, hội viên phụ nữ, các đoàn thể, người có uy tín ở thôn. Tổ kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động từng hộ dân thay đổi nếp nghĩ cũ, đổi mới cách làm, để phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội như nam giới. Đặc biệt là tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn liền với việc nâng cao vị thế của phụ nữ. 

Từ khi thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng đã có những cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Đơn cử, tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, thời gian qua, Hội LHPN xã đã tập trung xây dựng nhiều mô hình để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”. Vào buổi tối, khi chị em phụ nữ về nhà sau thời gian lao động, Hội LHPN xã còn khéo léo lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ; chia sẻ kiến thức về bình đẳng giới, lan tỏa các hoạt chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em thông qua hệ thống phát thanh, các nhóm zalo, facebook…

Một số chỉ tiêu phấn đấu thực hiện Dự án 8 tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 1, đến năm 2025 được đặt ra như: 90% phụ nữ DTTS được cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật liên quan đến phụ nữ trẻ em, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, kiến thức về chăm sóc sức khỏe; 100% thôn, ấp đồng bào DTTS thành lập, củng cố, duy trì nâng cao chất lượng các mô hình/tổ/nhóm/CLB truyền thông cộng đồng, phụ nữ tiết kiệm, địa chỉ tin cậy…

Bên cạnh những thuận lợi, các cấp hội phụ nữ cũng gặp một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Dự án 8 tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh như: Địa bàn tại các vùng DTTS còn rộng, khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động; còn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại, lười lao động, học tập ở không ít các hộ đồng bào DTTS…

Để việc thực hiện Dự án 8 đạt những kết quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ phối hợp với  các đơn vị có liên quan tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh, đổi mới nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới; thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo vật chất, tinh thần, bảo đảm sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trong gia đình, cộng đồng.

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tăng cường nắm bắt hoàn cảnh của các hộ gia đình DTTS để tham mưu, thực hiện các chương trình, chính sách phù hợp, đồng thời có nhiều chương trình hỗ trợ tạo sinh kế cho phụ nữ cũng như định hướng nghề nghiệp, việc làm cho con em đồng bào DTTS; xây dựng và nhân rộng mô hình “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Tổ truyền thông cộng đồng” và các mô hình đã được triển khai có hiệu quả, các địa chỉ tin cậy. Xây dựng, củng cố hội viên cốt cán phong trào, tăng cường vai trò của người có uy tín để kịp thời nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng và giải quyết một cách thực chất, hữu hiệu các vấn đề cấp thiết, chính đáng của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS…

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

 
.
.
.