.

Sinh đủ 2 con để phát triển bền vững

Cập nhật: 18:57, 23/11/2023 (GMT+7)

Dù đã ra sức tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chuyển đổi hành vi từ sinh 1 đến 2 con sang sinh đủ 2 con, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Điều này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sự phát triển xã hội.

Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để góp phần bảo đảm cơ cấu và chất lượng dân số. Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc trẻ sơ sinh.
Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để góp phần bảo đảm cơ cấu và chất lượng dân số. Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc trẻ sơ sinh.

“Ngại” sinh con

Căn nhà 70m2 nằm trong hẻm 1766 đường Võ Nguyên Giáp, phường 12 (TP.Vũng Tàu) được ngăn thành đôi, là nơi sinh sống của 2 gia đình nhỏ, với 7 thành viên. Đó là không gian sống của gia đình chị Trương Kiều Diễm Em và em gái.

Gia đình chị Diễm Em và người em gái đều làm công nhân, thu nhập thấp. Vì vậy, hai chị em chỉ sinh 1 con và không có ý định sinh thêm. Chị Diễm Em chia sẻ, vợ chồng chị cưới nhau từ năm 2017 và có 1 con trai 5 tuổi. Cuộc sống khó khăn nên anh chị quyết định chỉ sinh 1 con.

5 giờ sáng mỗi ngày, chồng chị phải chạy xe máy lên KCN Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ) làm công nhân đến chiều tối mới về. Nhà có mẹ già nhiều bệnh tật, con còn nhỏ nên chị chấp nhận làm công nhân thời vụ để có thời gian đưa đón con đi học, chăm sóc mẹ và lo toan việc nhà. Theo chị Diễm Em, thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng nên cuộc sống chật vật. Sinh thêm con, gia đình chị sẽ khó khăn hơn. Các con không được chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn…

Ngoài lý do kinh tế, nhiều cặp vợ chồng khá giả, có lối sống hiện đại cũng không muốn sinh thêm con thứ hai. Vợ chồng chị Đào Thị Dung (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) có công việc ổn định, thu nhập cao. Thế nhưng, ngay từ ngày mới cưới, anh chị đã thống nhất chỉ sinh 1 con dù trai hay gái. Lựa chọn này của vợ chồng chị Dung được cả bên nội và ngoại tôn trọng.

Cưới nhau được 12 năm, gia đình chị có cô con gái 9 tuổi. Chị Dung cho rằng, việc chăm và nuôi dạy một đứa con tương đối vất vả, mất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, anh chị chỉ sinh 1 con và dành những điều tốt đẹp nhất cho con để con phát triển toàn diện. Hơn nữa, việc sinh ít con giúp chị có thời gian chăm sóc bản thân và vun vén cho tổ ấm của mình.

Chị Dung nói: “Mỗi khi có thời gian rảnh, gia đình tôi thường đưa con gái đi du lịch, nghỉ dưỡng vừa nghỉ ngơi vừa gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình. Chúng tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái và hài lòng với cuộc sống hiện tại”.

Tuyên truyền chuyển đổi hành vi

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, có nhiều nguyên nhân khiến mức sinh của tỉnh thấp. Trong đó, khó khăn về kinh tế, chi phí chăm sóc và nuôi dạy con quá cao trong khi mức sống của người dân chưa bảo đảm khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con.

Bên cạnh đó, áp lực công việc, cuộc sống khiến một bộ phận người trong độ tuổi có xu hướng “lười” kết hôn; kết hôn nhưng sinh con muộn, sinh ít con, thậm chí không sinh con. Một số người bị hiếm muộn không được phát hiện hoặc không có điều kiện chữa trị… cũng ảnh hưởng đến mức sinh.

Dẫu mức sinh có cải thiện, song nhiều năm liền, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Đơn cử, năm 2018, mức sinh của tỉnh chỉ đạt 1,51 con/phụ nữ, năm 2021 đạt 1,78 và năm 2022 đạt 1,91 con/phụ nữ.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy như tốc độ già hóa dân số nhanh, thiếu nguồn lực và gây biến động thị trường lao động, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và duy trì nòi giống.

Ông Nguyễn Nam Phương, Phó Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành như Sở GD-ĐT, Hội LHPN, LĐLĐ, Hội Nông dân… tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) chuyển đổi hành vi từ sinh một đến hai con sang sinh đủ hai con. Các cơ sở y tế trong tỉnh tổ chức tư vấn, sàng lọc trước và sau sinh để thế hệ tương lai có những đứa trẻ khỏe mạnh, tránh lo ngại khi mang thai có nhiều rủi ro.

“Muốn thực hiện mục tiêu nâng mức sinh của tỉnh lên 2 con/phụ nữ cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ nhiều vấn đề về nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo việc làm, chế độ tiền lương, xây dựng thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí, hệ thống an sinh xã hội…”, ông Nam nói thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.