.

Tiếp sức ngư dân yên tâm bám biển

Cập nhật: 19:10, 08/09/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp MTTQ địa phương trao ngư cụ cho các ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có phương tiện đánh bắt, yên tâm bám biển.

Đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Long Điền trao vốn hỗ trợ mua ngư cụ tới ông Đỗ Văn Tài  (xã Phước Hưng).
Đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh và huyện Long Điền trao vốn hỗ trợ mua ngư cụ tới ông Đỗ Văn Tài (xã Phước Hưng).

Tiết kiệm tiền lưới

Gia đình ngư dân Nguyễn Văn Tài ngụ trong con hẻm ở ấp Phước Lộc, xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Khi đoàn khảo sát của UBMTTQ tỉnh tới, ông Tài và vợ đang vá lưới. Năm nay 41 tuổi, ông có hơn 20 năm làm nghề biển, vợ ông ở nhà vá lưới thuê. Mỗi chuyến ra biển câu cá, mực thường từ 1 giờ sáng đến 3 giờ chiều ông mới về. Ngày nào trúng thì được cả triệu đồng, nhưng cũng có ngày lỗ do không đánh bắt được.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng 2 vợ chồng luôn nhắc nhau cố gắng, nuôi 3 con ăn học. “Đi biển hao lưới lắm! Để tiết kiệm, mỗi chuyến biển về, vợ chồng tôi lại vá những chỗ lưới rách, tận dụng cho chuyến biển sau”, ông Tài chia sẻ.

Nhận số ngư cụ trị giá 10 triệu đồng, ông Tài không khỏi vui mừng, vì từ nay, việc đi đánh bắt của mình được bảo đảm hơn, giúp tăng thu nhập. “Thời gian này đánh bắt ngày càng khó khăn, nghề thuyền thúng bấp bênh hơn. Nên những đồng vốn hỗ trợ mua ngư cụ với chúng tôi rất quý. Lưới mới sẽ mang lại sản lượng đánh bắt cao. Dùng tiết kiệm, tôi cũng đỡ chi phí mua ngư lưới cụ được 6 tháng đến 1 năm”, ông Tài nói.

Tương tự, với ông Nguyễn Thanh Phong, 43 tuổi, KP.Hải Hà 2, TT.Long Hải thì số vốn 10 triệu đồng mua ngư cụ được hỗ trự từ UBMTTQ Việt Nam tỉnh rất quý giá. Ông Phong có hơn 10 năm làm nghề biển. Vợ ông vừa lo việc nhà, vừa tranh thủ buôn bán hải sản sau mỗi chuyến đánh bắt của chồng. Hoàn cảnh rất khó khăn, ông và em trai đi biển, lo cho gia đình 9 người. Mỗi chuyến biển, chi phí mua mắt lưới, chì để vá lưới rách từ 200-500 ngàn đồng.

“Có lưới mới giúp năng suất đánh bắt tốt hơn. Tôi cũng bớt lo lắng tiền sửa lưới hư. Cảm ơn địa phương đã quan tâm đến những gia đình ngư dân khó khăn như chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Giàu, vợ ông Phong chia sẻ khi nhận những đồng vốn hỗ trợ ý nghĩa.

Hằng năm, cùng với việc xây, sửa nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ đột xuất cho các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, người dân gặp thiên tai… UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng triển khai mô hình giảm nghèo tại các địa phương bằng hình thức hỗ trợ phương tiện sản xuất như: mua cây, con giống cho người dân huyện Đất Đỏ (100 triệu đồng/10 hộ), huyện Xuyên Mộc (100 triệu đồng/10 hộ); hỗ trợ người dân huyện Long Điền mua phương tiện buôn bán (ngư cụ, xe nước mía…).

Tăng hiệu quả đánh bắt

Ông Tài, ông Phong là 2 trong số 20 ngư dân của huyện Long Điền được hỗ trợ vốn mua lưới phục vụ công việc đánh bắt trên biển. Mô hình giảm nghèo hỗ trợ ngư cụ cho ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gắn với công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2023 do UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp MTTQ huyện Long Điền, Đất Đỏ triển khai. Mỗi địa phương có 10 ngư dân được hỗ trợ với số tiền 10 triệu đồng/người. 

Ông Vòng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phước Hưng, huyện Long Điền cho biết, trước khi trao vốn hỗ trợ, MTTQ xã làm việc với chi bộ ấp để rà soát danh sách những hộ đặc biệt khó khăn, ghi nhận ý kiến và mong muốn hỗ trợ của họ. Tiền vốn hỗ trợ được chuyển tới cơ sở bán lưới và ngư dân nhận về loại lưới họ sử dụng để bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục đích.

Theo ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo-Phong trào, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, mô hình trên là một trong những nội dung nằm trong Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Cùng với nguồn vốn vay từ các Ngân hàng chính sách ở địa phương, các ngư dân khó khăn sẽ không phải quá lo lắng khi đầu tư ngư cụ phục vụ đánh bắt.

“Hằng năm, chúng tôi xây dựng mô hình điểm tại các địa phương để xin kinh phí từ ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và năm nay hướng đến các hộ dân ven biển. Số vốn tuy không lớn, nhưng rất có ý nghĩa trong việc động viên ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, khai thác hải sản tại các ngư trường truyền thống, khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương. Đồng thời, giúp hiệu quả đánh bắt tăng lên, mang lại cho ngư dân thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững”, ông Hiển nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
.
.
.