PHÓNG SỰ

Những người mò kim đáy bể

Thứ Sáu, 12/05/2023, 19:00 [GMT+7]
In bài này
.

Với chiếc đèn pin trên đầu cùng bộ công cụ gồm máy rà tìm kim loại, xẻng..., những người đàn ông di chuyển từng chút một để mò tìm những vật dụng, trang sức bằng vàng, bạc, kim loại quý ở bãi biển Bãi Sau, TP.Vũng Tàu.

Ông Ngà dò tìm kim loại quý trên bãi biển Bãi Sau (TP.Vũng Tàu).
Ông Ngà dò tìm kim loại quý trên bãi biển Bãi Sau (TP.Vũng Tàu).

Dò tìm may mắn

Đợi nước biển rút xa phía bờ hơn 300m, 7 giờ tối, ông Khoan Văn Ngà (quê Kiên Giang, đang thuê trọ ở TP.Vũng Tàu) gắn chiếc đèn pin trên đầu, vừa đi vừa dùng máy dò tìm kim loại rà rà trên mặt cát. Tay trái ông kéo lết chiếc xẻng, để lại những vệt dài loằng ngoằng.

“Vệt dài loằng ngoằng” đó là cách ông đánh dấu những chỗ đã rà để đồng nghiệp không đi lại mất công. Cứ thế, mỗi đêm ông đi hàng chục km trên bờ biển với đôi chân trần. Trò chuyện với tôi, ông Ngà vừa thoăn thoắt đi lại trên bãi biển. Máy dò kim loại phát ra tiếng “tít tít”, ông dừng lại, dùng xẻng đào mớ cát lên. Tôi hồi hộp hỏi “Vàng phải không anh?”. Ông Ngà đáp: “Dễ gì!” Và dưới lớp cát ấy đúng là kim loại nhưng lại là... nắp lon bia. Ông Ngà dùng xẻng khỏa lại lớp cát cho bằng rồi đi tiếp…

Vốn sống bằng nghề thợ hồ nhưng từ giữa năm 2022 đến nay, ngành xây dựng khó khăn, công trình ít nên ông thường xuyên lâm vào cảnh thất nghiệp. Rảnh rỗi, ông kiếm kế mưu sinh. Ban ngày, ai kêu gì ông làm nấy. Ban đêm, ông ra biển tìm những trang sức, vật dụng bằng kim loại quý mà du khách bất cẩn đánh rơi trong lúc đi tắm biển.

Dụng cụ hành nghề là chiếc máy rà có thể “nhìn thấy” kim loại nằm dưới lớp cát khoảng 10cm. Ở phần trước của máy có một bộ phận cảm ứng, nó sẽ phát ra những tín hiệu khi bắt gặp bất kỳ những kim loại nào như vàng, bạc, sắt, nhôm… Thiết bị này được ông đặt mua từ TP.Hồ Chí Minh với giá 18 triệu đồng. Nhưng làm suốt 6 tháng nay thu nhập chưa đủ 10% của chiếc máy.

“Cực chẳng đã mới phải làm nghề này. Người ta thường nói khó như việc mò kim đáy bể mà. Có được hay không cũng là hên xui. Hơn 2 tháng nay đi rạc cả chân nhưng có kiếm được đồng nào đâu”, ông Ngà nói.

Ông Nguyễn Văn Việt, người có thâm niên 5 năm đi “dò tìm may mắn” cho biết, thời điểm dò tìm những món trang sức bằng kim loại quý có thể chia ra thành nhiều giờ trên biển. Nhưng chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian sau khi du khách tắm biển xong, là buổi tối.

Không phải mùa nào cũng làm được, công việc này chủ yếu làm từ sau Tết Âm lịch đến cuối tháng 7 khi mỗi đêm nước biển Bãi Sau cách bờ tầm 300-500m. Những tháng còn lại, thủy triều lên, nước dâng sớm, không thể làm được.

“Thấy tưởng dễ nhưng cũng nhiêu khê lắm! Có khi đi bộ dọc bờ suốt vài tháng liền mới may mắn nhặt được chiếc bông tai nhỏ xíu. Việc này chủ yếu là để kiếm thêm lúc rảnh chứ chẳng dễ dàng gì”, ông Việt nói.

Nghề tìm vàng trên bãi biển đã xuất hiện ở Vũng Tàu từ cách đây khoảng hơn 10 năm. Người ta tìm thứ đồ trang sức quý giá mà nhiều lúc, khách tắm biển vô tình để sóng đánh tuột mất, trôi nổi dưới những chân sóng, bên bãi cát dài chi chít những vết chân. Có lẽ, vì vậy mà nghề tìm vàng ở bãi biển Vũng Tàu là một trong những nghề lạ, thú vị dù nó cũng rất bấp bênh. Nhưng chung quanh đó cũng có biết bao câu chuyện cảm động về nghề.
Đi tìm may mắn cho mình nhưng cũng chính họ đem lại sự may mắn cho rất nhiều người.
Đi tìm may mắn cho mình nhưng cũng chính họ đem lại sự may mắn cho rất nhiều người.

Và những câu chuyện cảm động

Chưa đến 7 giờ tối, ông Nguyễn Văn Hùng, nhà ở đường Đô Lương (phường 11, TP.Vũng Tàu) đã chạy chiếc xe cà tàng ra biển. Nước còn cao, đứng trên bờ châm điếu thuốc rít một hơi dài, mắt nhìn xa xăm về phía biển. Nước da ngăm đen nên trông có vẻ già hơn so với tuổi ngoài 30 của mình. Ông Hùng không tìm vàng trên bờ cát mà tự chế một cây cào, gắn lưới để sục dưới biển.

“Ngày tui đi ghe, tối đi tìm vàng đặng kiếm thêm thu nhập. Nhưng nghề này khó lắm! Đi cả tháng có khi không kiếm được cái gì. Trai tráng khỏe mạnh như tui mới dám cào dưới biển chứ những người không phải dân biển như ông Ngà, ông Việt… không dám ra đâu, sóng đánh tan tác. Nhưng cũng nhờ làm nghề tìm vàng dưới biển mà tôi cứu được mấy người đuối nước do tắm biển ban đêm”, ông Hùng kể.

Còn ông Nguyễn Văn Đông, người cũng theo nghề “mò kim đáy bể” hơn 3 năm cho biết, dù cả tháng không tìm được món đồ nào nhưng khi tìm được mà biết rõ người mất, ông đều cố gắng trả lại cho họ. “Như hôm rồi, đi cả tối thì kiếm được cái bông tai. Chưa kịp mừng thì gặp một cô bé đang đi tìm vì lúc chiều cô tắm biển ở khu vực này. Tôi không đành lòng nên trả cho cô bé. Nhận lại chiếc bông tai của mình cô bé cảm ơn rối rít và cho biết đó là kỷ vật mà người mẹ quá cố dành tặng”.

Theo ông Đông, ngoài việc tìm vàng trên bãi biển, các “phu” tìm vàng còn được du khách thuê để tìm kiếm đồ vật, trang sức vô tình bị đánh rơi. Giá cả do đôi bên thỏa thuận và khi nào tìm được đồ vật, du khách mới phải trả tiền.

Từng bị mất tài sản khi tắm biển tại biển Bãi Sau, bà Ngọc, Giám đốc một công ty ở KCN Đông Xuyên cho biết, nhờ dịch vụ này mà đã may mắn tìm lại được chiếc nhẫn cưới. “3 ngày sau khi bị mất tôi được “phu” tìm vàng báo chiếc nhẫn đã được tìm thấy. Người tìm được chỉ xin tôi tiền công 3 ngày là 300 ngàn đồng”, bà Ngọc kể.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.