Nâng cao hiệu quả hoạt động của TTYT tuyến huyện
Được sự quan tâm và đầu tư đúng hướng, TTYT tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã không ngừng cải thiện chất lượng và quy mô hoạt động khám, chữa bệnh. Qua đó, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.
Bác sĩ của Phòng Khám bác sĩ gia đình (TTYT huyện Châu Đức) hướng dẫn bệnh nhân hen suyễn sử dụng thuốc. |
Đáp ứng nhu cầu người bệnh
Trung bình mỗi ngày, Khoa Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng (TTYT huyện Xuyên Mộc) đón tiếp khoảng 80 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Phần đông người bệnh từ 50 tuổi trở lên, chủ yếu bị các bệnh như: đau lưng, vai gáy, thần kinh tọa, viêm khớp. Ngoài khám bệnh, khoa còn thực hiện các kỹ thuật điều trị cho người bệnh như: châm cứu, xoa bóp, điện, xung siêu âm trị liệu, đắp thước, chườm ngải, xông thuốc, cấy chỉ… Đây là những phương pháp điều trị phù hợp với đặc điểm bệnh tật, nhu cầu của người bệnh trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Theo các bác sĩ, điều trị bệnh bằng đông y có nhiều ưu điểm, phù hợp với tâm lý của người bệnh như: không mất nhiều thời gian, không đau đớn, không xâm lấn các bộ phận bên trong cơ thể, không phải nằm điều trị nội trú. Vì thế, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại Khoa Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng thường rất đông.
Ông Trần Hùng (SN 1964, ở KP.Thạnh Sơn, TT.Phước Bửu) thường xuyên đau thần kinh tọa chân trái. Mỗi lần bị đau, ông đều lựa chọn khám và điều trị bằng kỹ thuật điện xung trị liệu tại Khoa Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng (TTYT huyện Xuyên Mộc). Nhờ vậy, bệnh của ông giảm đau rất nhiều. “Tôi thấy điều trị bệnh bằng đông y có hiệu quả cho sức khỏe. Phương pháp này vừa nhẹ nhàng, an toàn và không mất nhiều thời gian điều trị cho tôi”, ông Hùng nói.
Ngoài khoa này, TTYT huyện Xuyên Mộc còn là đơn vị y tế tuyến huyện duy nhất của tỉnh thực hiện được kỹ thuật lọc thận nhân tạo từ năm 2017 đến nay. Hiện TTYT huyện đang lọc thận cho gần 60 bệnh nhân, trong đó có 16 người vừa được Bệnh viện Bà Rịa chuyển về điều trị. Bác sĩ Trần Ngọc Yên, Phụ trách Phòng Lọc thận nhân tạo cho hay, phòng có 10 máy hoạt động ổn định và 3 máy bắt đầu đưa vào hoạt động. Để đáp ứng cho người bệnh, phòng bố trí lọc thận 3 ca/ngày, tăng 1 ca so với thời điểm từ tháng 11/2022 trở về trước. Trên địa bàn huyện còn có 13 ca bệnh đang có nguyện vọng được lọc thận nhân tạo tại TTYT huyện Xuyên Mộc nhưng chưa có máy.
Bác sĩ Yên cho hay: “Chúng tôi rất mong 3 máy mới đưa vào sử dụng, hoạt động ổn định, sẽ tiếp nhận thêm 18 người bệnh. Khi đó những người bệnh này không phải đi xuống Bệnh viện Bà Rịa hay Bệnh viện Vũng Tàu chạy thận nữa. Bệnh nhân sẽ đỡ vất vả, giảm chi phí và thời gian rất nhiều”.
Cũng là đơn vị y tế tuyến huyện, TTYT huyện Châu Đức đã tạo được sự tin tưởng cho người bệnh, nhất là các đối tượng khám ngoại trú. Đơn cử như, Phòng khám bác sĩ gia đình (Khoa Khám bệnh) đang khám, quản lý và điều trị cho hơn 3.000 trường hợp/năm. Tất cả bệnh nhân của phòng là người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tâm thần và hen suyễn.
Bác sĩ Trần Ngọc Lễ, Trưởng Khoa Khám bệnh (TTYT huyện Châu Đức) thông tin, Phòng khám bác sĩ gia đình có số lượng bệnh nhân đông nhất đơn vị. Phòng đã được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiếu bị y tế thực hiện siêu âm, điện tim, đo hô hấp ký và thuốc men đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh. Do bệnh nhân của phòng là những người mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm cần điều trị lâu dài và tái khám thường xuyên nên việc theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân diễn ra thông suốt.
Bên cạnh đó, Khoa khám bệnh còn có phòng nội soi dạ dày, hoạt động vào sáng thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần, đáp ứng cho 20 người bệnh/tuần; cùng các phòng khám: nội, nhi, sản, Liên chuyên khoa (răng hàm mặt-tai mũi họng). TTYT huyện Châu Đức còn có Khoa Hồi sức-cấp cứu sẵn sàng tiếp nhận các ca cấp cứu, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Trung bình mỗi ngày khoa thực hiện cấp cứu cho từ 30-40 người bệnh, trong số này có nhiều trường hợp bị bệnh nặng phải hồi sức cấp cứu. Thời gian qua, khoa đã cứu sống được nhiều bệnh nhân bị xuất huyết não, đột quỵ, điện giật, đuối nước, tự tử, băng huyết sau sinh.
Bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh, TTYT tuyến huyện và TYT tuyến xã còn là lực lượng nòng cốt thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh như: COVID-19, sốt xuất huyết, bệnh dại, bệnh thủy đậu, bệnh cúm…; cùng nhiều chương trình về tiêm chủng mở rộng, mục tiêu quốc gia dân số-kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm… |
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Bác sĩ Vũ Văn Nam, Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc cho biết, đơn vị vừa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng về cơ sở vật chất và mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022. Đây là điều kiện thuận lợi để trung tâm duy trì, củng cố và tiếp tục phát triển các hoạt động chuyên môn. Trong đó, trung tâm sẽ chủ động công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế, không để thiếu các mặt hàng này trong phục vụ người bệnh.
Song song đó, đơn vị này còn triển khai kế hoạch nâng quy mô giường bệnh từ 200 lên 220 giường; khôi phục lại các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như: nội soi tiêu hóa, xét nghiệm huyết học và sinh hóa, chụp CT và siêu âm; cũng như sắp xếp hoạt động Khoa Cấp cứu, Khoa Ngoại, Khoa Sản, phòng mổ. “Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như triển khai các biện pháp giảm thời gian chờ khám bệnh để nâng mức độ hài lòng của người bệnh khi đến TTYT huyện Xuyên Mộc”, ông Nam nói thêm.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, TTYT huyện Châu Đức đã đề ra các giải pháp phát triển chuyên môn trong thời gian tới. Cụ thể, trung tâm sẽ nâng cao các kỹ thuật hồi sức cấp cứu như: thở máy qua nội khí quản, lấy máu động mạch, dẫn lưu màng bụng, dẫn lưu màng phổi cấp cứu; triển khai chuyên khoa lẻ về mổ dò luân nhĩ, phẫu thuật mũi xoang, chọc xoang dẫn lưu, vá nhĩ đơn thuần, trồng răng cố định, mổ mộng thịt mắt; đồng thời triển khai xét nghiệm khí máu động mạch, xét nghiệm đông máu, thanh thải thận, điện não đồ, chụp XQ tại giường, nội soi điều trị…
Bác sĩ Ngô Hải Vân, Phó giám đốc TTYT huyện Châu Đức cho hay, trụ sở của đơn vị đang được đầu tư xây mới và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Khi về cơ sở mới, TTYT huyện sẽ triển khai thêm 3 bàn khám về nội thần kinh, nội tiết và nhiễm để nâng tổng số bàn khám lên 22 bàn; thực hiện chạy thận nhân tạo.
Bác sĩ Vân cho biết thêm: “Cùng với chuyên môn, trung tâm còn phải thay đổi phong cách, thái độ giao tiếp với người bệnh bằng việc duy trì Tổ công tác xã hội-Tiếp sức người bệnh để hỗ trợ bệnh nhân, bố trí các hòm thư góp ý tại nơi có đông người bệnh, duy trì đường dây nóng… để lắng nghe những phản ánh của người dân”.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM