Kỳ cuối: Vùng cam bên lòng hồ sông Đà
TIN LIÊN QUAN:
Giữa vùng núi non điệp trùng, hùng vĩ, Tây Bắc còn được thiên nhiên ban tặng những dải đất với tiểu khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt. Nếu như Mộc Châu (Sơn La) vào mùa thu, tựa hồ như một Đà Lạt mát mẻ, thì Cao Phong (Hòa Bình) lại không khác một miệt vườn ở Tây Nam Bộ.
Thung Nai nằm trong khu vực lòng hồ Sông Đà, được ví như “Vịnh Hạ Long” của Hòa Bình. Ảnh: ST |
Cao Phong nằm ở độ cao 300m so với mực nước biển, địa hình đồi bát úp, tương đối bằng phẳng. Nhiệt độ quanh năm dao động trong khoảng 22-24 độ C. Dòng Đà giang cuộn chảy từ thượng nguồn, về đến Hòa Bình đã bắt đầu hiền hòa. Từ Thung Nai (huyện Cao Phong) đến Thác Bờ (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), lòng hồ được hình thành. Nhìn trên bản đồ, một phần Cao Phong bao quanh bởi lòng hồ sông Đà. Chính đất - nước - nắng - gió phù hợp đã kết tinh cho người dân nơi đây một loại trái cây nức tiếng: cam Cao Phong, với vị ngọt thơm ít nơi nào bì được.
Nông sản đầu tiên của Hòa Bình có chỉ dẫn địa lý
Cam Cao Phong đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: THU TRANG |
Giống cam trồng tại Cao Phong đều có nguồn gốc di thực. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, nông hóa và thổ nhưỡng nên duy trì những đặc tính di truyền tốt của giống gốc, đồng thời thể hiện một số ưu thế nổi bật về chất lượng. Nhờ vậy, Cam Cao Phong đã sớm vượt khỏi biên giới Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Cụ thể, năm 1976 gần 50% tổng sản lượng thu hoạch (sản lượng thu hoạch năm 1976 là 3.000 tấn) được xuất khẩu sang Liên Xô.
Sau đó, do nhiều nguyên nhân, cam Cao Phong rơi vào thời kỳ thoái trào, cây đổ bệnh và bị đốn hạ. Phải đến những năm 1990, cây cam mới dần khôi phục diện tích, sản lượng và chất lượng tăng dần nối lại niềm tự hào trong quá khứ. Tỉnh Hòa Bình cũng đề ra kế hoạch phát triển sản phẩm rõ ràng, chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu để có khả năng nhận diện, cạnh tranh trên thị trường.
Từ năm 2010-2015, cam Cao Phong bắt đầu giai đoạn sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu. Từ năm 2015-2020 tiếp tục bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả diện tích cây có múi đã được quy hoạch.
Các khâu quy hoạch, đầu vào, kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ vay vốn, đầu ra của cam Cao Phong được thực hiện bài bản. Diện tích và sản lượng cam tăng mạnh theo thời gian. Từ 557ha năm 2010, giờ đây diện tích trồng cam đã tăng lên hơn 1.500ha. Sản lượng từ 9.000 tấn năm 2010 lên đến hơn 18.000 tấn niên vụ 2022-2023. Bên cạnh đó, chất lượng cam cũng tăng mạnh. Năm 2014, Cao Phong triển khai sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ gần 250ha ban đầu hiện nay đã có trên 536ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cũng trong năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho 4 giống cam (CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao, cam Canh). Sự kiện trên đánh dấu bước đột phá trong hành trình xây dựng phát triển thương hiệu, tạo lập vị thế nông sản đặc trưng, mở ra nhiều cơ hội vươn ra thị trường lớn cho cam Cao Phong.
Từ năm 2021, cam Cao Phong chính thức giao dịch trên sàn thương mại điện tử Postmart của Vietnam Post. Hiện nay, cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Winmart, Metro, BRG... Cam Cao Phong được lựa chọn là món tráng miệng phục vụ hành khách của Vietnam Airlines.
Tự hào truyền thống cách mạng
Du khách tham quan khu trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh trong Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, vùng Cao Phong - Thạch Yên trước đây địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, gần dốc Cun có đường 12 (nay là QL6) đi qua. Nhận thấy tầm quan trọng của địa bàn này, vào cuối năm 1944, công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng, huấn luyện quân sự cho đồng bào dân tộc ở các xã trong vùng, mở đầu cho việc thành lập khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên được tiến hành.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, đây là một trong bốn khu căn cứ cách mạng của tỉnh Hòa Bình, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Ngày nay, khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên chính là Khu di tích lịch sử Chùa Khánh, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia vào năm 1996.
Ngoài khu vực chùa Khánh thuộc xã Thạch Yên, khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên còn được ghi dấu ở địa điểm chùa Quoèn Ang, thuộc địa bàn xã Tân Phong cũ (nay là xã Hợp Phong). Đây là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình đã họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập các khu căn cứ cách mạng của tỉnh. Sau đó, trong một thời gian ngắn, cùng với sự góp công, góp sức, ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân địa phương, các lực lượng cách mạng đã phát triển mạnh mẽ, làm chủ hoàn toàn khu căn cứ, chờ thời cơ khởi nghĩa.
Sáng 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa của khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên phối hợp cùng cánh quân ở Lạc Sơn xuôi dốc Cun tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà sang phố Đúng cùng các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần to lớn vào cuộc tổng khởi nghĩa của cả nước.
Cũng như di tích lịch sử chùa Khánh, di tích lịch sử chùa Quoèn Ang tự hào mang trong mình dấu ấn về một thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc, gắn liền với khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên.
Ngoài những địa danh đã đi vào lịch sử, những năm qua, huyện Cao Phong còn tạo thêm sức hút khi chú trọng phát triển các khu du lịch với sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn như: Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, Khu du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh núi Đầu Rồng, Bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ…
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp, cùng với sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và thương hiệu cao Cao Phong đã có tiếng trên thị trường, huyện Cao Phong xác định đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp chất lượng cao, khai thác các giá trị văn hóa, di tích lịch sử và các giá trị tài nguyên của địa phương theo hướng bền vững, để tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn du khách.
Thời gian chúng tôi dừng chân ở Cao Phong khá ngắn ngủi, chưa đến nửa ngày, song truyền thống cách mạng và câu chuyện bài bản, khoa học trong xây dựng thương hiệu cam Cao Phong rất ấn tượng. Chia tay Cao Phong, chúng tôi tin rằng với chiến lược, định hướng và sự đầu tư đồng bộ từ tỉnh Hòa Bình, Cao Phong sẽ phát triển hơn nữa, xứng danh Tam Thàng trong tứ đại đất Mường Hòa Bình, nơi người Việt cổ tập trung sinh sống đông nhất.
PHÚC LƯU - MỸ LƯƠNG
Vùng trồng cam tập trung ở thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Hợp Phong, Thu Phong. Khi chúng tôi chắp bút cho bài viết, Cao Phong vào đầu vụ thu hoạch cam. Qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Phong, cho biết, vụ cam năm nay tiếp tục đạt về năng suất, sản lượng ước tính từ 18.000-20.000 tấn; giá bán từ 28.000-35.000 đồng/kg. Huyện cũng đang chuẩn bị cho Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 7 để tôn vinh, quảng bá cây “vàng” đã giúp người dân Cao Phong ổn định kinh tế, vươn lên khá giả. |