.

Đề xuất người lao động chỉ được rút 8% BHXH một lần

Cập nhật: 18:50, 09/11/2022 (GMT+7)

Trước "làn sóng" ồ ạt rút BHXH một lần, tại dự thảo đề cương sửa Luật BHXH, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. 

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại BHXH tỉnh.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHXH tại BHXH tỉnh.

Đến cơ quan BHXH tỉnh làm thủ tục rút BHXH một lần vào ngày 3/11 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hương (phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) cho biết, chị Hương đã tham gia BHXH tròn 13 năm. Tuy nhiên, hiện chị đang thất nghiệp do công ty đóng cửa. Dù đã có dự định sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc mới nhưng chị vẫn quyết định rút BHXH một lần thay vì tiếp tục bảo lưu để tham gia BHXH ở đơn vị mới. “Do kinh tế gia đình hiện nay đang túng thiếu trong khi con còn nhỏ nên tôi tính rút BHXH một lần để xoay xở…”, chị Nguyễn Thị Hương bộc bạch.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Hương chỉ là 1 trong gần 11.550 trường hợp rút BHXH một lần tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm 2022 đến nay. 

Theo BHXH tỉnh, từ năm 2022 đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết 11.550 trường hợp rút BHXH một lần với số tiền hơn 589,6 tỷ đồng, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực tế đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân rút BHXH một lần gia tăng chủ yếu là do người lao động gặp khó khăn sau dịch COVID-19 chưa tìm được việc làm nên chọn rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống; Bên cạnh đó, cũng không ít người lao động chưa thật sự hiểu về chính sách an sinh xã hội và lợi ích của việc tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí về lâu dài khi hết khả năng lao động, bị ốm đau, bệnh tật.

Ông Trịnh Xuân Hồng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ: “Trong quá trình tiếp nhận đề nghị hưởng và sau khi cơ quan BHXH luôn tư vấn những “thiệt đơn thiệt kép” khi rút BHXH một lần nhưng phần lớn người lao động vẫn quyết định rút BHXH một lần do nhu cầu tài chính của gia đình”.

Theo Bộ LĐTBXH, với phần giữ lại sẽ vẫn được trả về người lao động khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng. Theo lộ trình, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Bộ LĐTBXH chủ trì, dự kiến tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH sửa đổi và đến kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024, QH thông qua Luật BHXH sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025. Bên cạnh đó, dự kiến Luật BHXH được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo hướng này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH, người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Để hạn chế số người rút BHXH một lần, để tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu, Bộ LĐTBXH đã kiến nghị Quốc hội phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu rút BHXH một lần thì mức hưởng sẽ được xác định trên phần trăm của người lao động đóng vào quỹ BHXH là 8%, thay vì như quy định hiện nay là 22%. Phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Lý giải cho phương án này, BHXH Việt Nam cho biết, đây là thông lệ Quốc tế, vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần, nhằm  bảo đảm cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. 

Bài, ảnh: QUANG LÊ

.
.
.