HÙNG VĨ TÂY BẮC

Kỳ 2: Cuộc hội ngộ đầy cơ duyên

Thứ Hai, 07/11/2022, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Từ Điện Biên về Sơn La, xe bò qua đèo Pha Đin với những khúc cua xoắn ốc. Ghé mắt rón rén qua cửa kính ô tô, có thể thấy xe đi trước ngay phía dưới, cách nhau đúng một… bờ vực.  Sâu tít là sông Đà. Cung đường Tây Bắc là vậy! Nhưng cũng từ vùng núi non hiểm trở này, đã hun đúc nên biết bao con người bền gan, vững chí.

Xím Vàng, Sơn La. Ảnh: TRUNG KIÊN
Xím Vàng, Sơn La. Ảnh: TRUNG KIÊN

Gặp lại chốn “địa ngục trần gian”

Đến Sơn La sau một hành trình miên man lắc lư, hồi hộp vì những cung đường xoắn ốc, chúng tôi nghỉ ngơi thoáng chốc, rồi hăm hở thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. 

Có một điều gì đó trùng hợp may mắn, vì chúng tôi đến từ mảnh đất có Côn Đảo - cũng là “chốn địa ngục trần gian” mà chế độ thực dân cũ xây dựng nên. Côn Đảo lúc đó là đệ nhất địa ngục, thì Sơn La phải là đệ nhị địa ngục. Chỉ có điều, Côn Đảo cách đất liền 97 hải lý, giữa vùng biển mênh mông, thì chốn địa ngục trần gian này, nằm kẹt giữa nơi từng là “rừng thiêng, nước độc”.  

Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng trên đồi Khau Cả, vào đầu năm 1908. Giai đoạn 1930-1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng và đổi tên thành Ngục Sơn La với mục đích biến nơi đây thành địa ngục để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản.

Thực dân Pháp cho xây dựng hệ thống phòng giam tù nhân kiên cố và trang bị các ổ khóa, cùm chân, cùm tay, các công cụ kìm kẹp tù nhân và áp dụng các hình thức tra tấn tù nhân vô cùng thâm độc. 

Sự dã man của thực dân đối với tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La thể hiện ngay từ chặng đường chuyển tù nhân từ Hỏa Lò - Hà Nội lên Sơn La. Các tù nhân bị dồn lên ôtô bịt mui kín đưa đến Chợ Bờ (Hòa Bình), sau đó đi thuyền lên Suối Rút. Từ đây, tù nhân phải đi bộ 220 km để đến Sơn La. 

Dọc đường, tù nhân được chia thành từng toán, mỗi toán trên 50 người, cứ 10 người xâu chung một dây lõi luồn qua xích tay (2 người 1 xích) thành một hàng đôi. Chân đất đường rừng, tay xiềng xích, nên với họ, 220 cây số không khác gì hành trình đến địa ngục. 

Cũng vì chế độ cai ngục hà khắc, man rợ, Nhà tù Sơn La được mệnh danh là địa ngục trần gian, chỉ xếp sau Nhà tù Côn Đảo. Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân.

Trong quá trình thăm Nhà tù Sơn La, chúng tôi dừng chân trước một cây đào xanh tươi bên tường xà lim. “Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng trong những năm cuối đời và được đặt tên cây đào Tô Hiệu. 4 năm trong nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu (1912 - 1944) là người có công lao to lớn, giúp các chiến sĩ ở đây viết tài liệu để học tập, biến nhà tù thành trường học, nơi đào tạo cán bộ cốt cán cho cách mạng sau này”, hướng dẫn viên Lê Thị Thu Hương chia sẻ với giọng xúc động.

Tô Hiệu (quê Hưng Yên) là chiến sĩ cộng sản, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước của hàng ngàn công nhân tiểu thương và lao động thành phố Hải Phòng. Khi Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập các khu Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và vùng mỏ thuộc khu B (sau đó gọi là liên tỉnh B), ông làm Bí thư Khu ủy, xúc tiến ra báo Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Khu ủy B.

Ông bị bắt vào năm 1939, bị kết án 5 năm tù và giam giữ tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông được bầu làm Bí thư chi bộ Đảng, tham gia công tác tuyên truyền cách mạng và đấu tranh cải thiện chế độ nhà tù.

Điều đặc biệt trong cuộc đời của mình, ông đã trải qua đầy đủ 2 địa ngục trần gian kinh khủng của chế độ thực dân. Trước đó, khi hoạt động ở Sài Gòn, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo 4 năm.  

Đoàn công tác của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và du khách thăm Di tích Quốc gia đặc biệt  Nhà tù Sơn La. Ảnh: NHẬT LINH
Đoàn công tác của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và du khách thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Ảnh: NHẬT LINH
Nhà tù Sơn La đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại, đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc tiêu biểu như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàng cùng nhiều đồng chí trung kiên khác. Hiện nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là điểm đến của du khách khi đến với Sơn La. Đồng thời là một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

 

Để cho lòng ta reo 

Trong Di tích Nhà tù Sơn La có một khu trưng bày và lưu giữ 209 tư liệu, hiện vật. Ngoài các công cụ tra tấn, kìm kẹp tù nhân… chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy những tờ báo được xuất bản ngay trong nhà tù.

Hướng dẫn viên Lê Thị Thu Hương kể lại: Trong môi trường khắc nghiệt, hiểm ác, nhưng những “nhà báo” đặc biệt đã xuất bản đều đặn tờ Suối Reo góp phần truyền bá đường lối, chủ trương của Đảng, thắp sáng lý tưởng cách mạng cho các tù nhân và quần chúng yêu nước địa phương.

Tháng 2/1941, hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập chi bộ. Hội nghị gồm 11 đảng viên, cử ông  Trần Huy Liệu làm Bí thư. Chi bộ chủ trương xuất bản tờ báo Suối Reo và cử ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Sau đó, Chi bộ giao cho ông Xuân Thủy, người trước đó có 10 năm viết báo làm chủ bút. 

Bắt đầu từ tháng 5/1941 đến tháng 3/1945, báo phát hành mỗi tháng 1 kỳ, 2 trang, viết tay trên giấy tận dụng, khổ báo 20cm x 14cm. Tờ báo như nguồn sáng xua đi bóng tối u ám, thảm khốc và thắp lên ngọn lửa yêu nước, cách mạng cho các tù nhân, quần chúng yêu nước địa phương và cảm hóa cả những tên lính, cai ngục.

Hướng dẫn viên Lê Thị Thu Hương (thứ 2 từ phải qua) giới thiệu các số báo  Suối Reo và Ban Biên tập tờ báo. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Hướng dẫn viên Lê Thị Thu Hương (thứ 2 từ phải qua) giới thiệu các số báo Suối Reo và Ban Biên tập tờ báo. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Để cho ra đời tờ báo Suối Reo, những người được phân công làm báo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực để viết thư gửi về cho gia đình. Giấy, bút, mực để dành cho ban biên tập làm báo. Có giấy, bút, mực, những người làm báo tận dụng ánh sáng của trăng để viết báo; khi không có trăng thì thắp đèn dầu để viết và cử người canh gác cẩn mật. 

Nội dung của một tờ báo Suối Reo. Ảnh: NHẬT LINH
Nội dung của một tờ báo Suối Reo. Ảnh: NHẬT LINH

Trong tờ báo đầu tiên có ghi lời tựa của nhà báo Xuân Thủy với 4 câu thơ: “Thu sang, hoa cỏ già rồi/Suối reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối Reo lên để cho lòng ta reo” cùng nhiều thể loại bài từ nghị luận chính trị, truyện ngắn đến châm biếm vui cười và thơ ca ngợi quê hương đất nước... 

Suối Reo là tờ báo viết tay được phát hành cũng rất đặc biệt. Báo được luân phiên chuyển từ trại giam này sang trại giam khác và tờ báo được bảo quản bí mật, chỉ cử ra một người đọc cho mọi người trong các khám và xà lim cùng nghe vào buổi tối.

(Còn nữa)

PHÚC LƯU - MỸ LƯƠNG

;
.