Thu lãi cao nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật

Thứ Năm, 15/09/2022, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cây trồng và chăn nuôi, ông Nguyễn Trung Hậu (43 tuổi, ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) mỗi năm đã thu lãi hơn 250 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Trung Hậu (bìa phải) chia sẻ kỹ thuật vặt lá cho bưởi trái vụ cho các nông dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trung Hậu (bìa phải) chia sẻ kỹ thuật vặt lá cho bưởi trái vụ cho các nông dân trên địa bàn.

Dẫn chúng tôi thăm khu vườn cây ăn trái, ông Nguyễn Trung Hậu kể lại câu chuyện khởi nghiệp của mình. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ đã làm quen với công việc làm nông. Năm 23 tuổi, ông bắt đầu tự mình canh tác với 0,8ha đất do cha mẹ để lại.

“Tôi đã chọn cây bơ cho khu vườn của mình. Vài năm đầu, chưa có kiến thức về chọn cây giống, cách chăm sóc, hiệu suất lao động cao nhưng kết quả không như ý vì năng suất thấp, đời sống gia đình khó khăn. Điều này khiến tôi suy nghĩ phải thay đổi cách thức trồng trọt và chăm cây”, ông Hậu thổ lộ.

Năm 2009, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng đầu tư theo hướng vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật xây dựng chuồng trại, phương pháp hoạch toán, quản lý kinh doanh hộ gia đình. Ngoài ra, ông còn tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình điển hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh để áp dụng cho vườn nhà.

Từ những kinh nghiệm đã được học hỏi, ông chủ động bỏ những cây cũ vì không mang lại hiệu quả, đồng thời liên hệ các nhà vườn uy tín đặt giống tốt. Từ năm 2015, ông đầu tư hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt, áp dụng các kỹ thuật như: vặt lá cho quả trái vụ, xử lý phân thuốc định kỳ. Việc sử dụng hệ thống béc tưới tự động giúp ông nhàn hơn, lại điều khiển chính xác được lượng nước tưới, vừa bảo đảm yêu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây vừa tiết kiệm.

Với sự mày mò, sáng tạo và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, ông Hậu nhiều năm liền được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2019, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh; Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh các năm 2019, 2021. 

Nhờ đó, năng suất của cây tăng 20-30% so với trước đây, trung bình từ 10-15 tấn bơ/vụ. Ngoài vụ bơ chính vào tháng 5, 6, ông còn xử lý cho bơ ra trái vụ, thu hoạch đúng dịp Tết, cho ra thị trường với giá cao. “Đến nay, vườn của tôi cây chủ lực là giống bơ với hơn 200 gốc, cùng 50 cây bưởi và 30 cây măng cụt trồng xen kẽ”, ông Hậu phấn khởi nói.

Song song với trồng trọt, ông còn chăn nuôi 40 con heo thịt. Bằng cách áp dụng kỹ thuật, sử dụng chất thải của heo làm phân bón, ông không chỉ tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học, mà còn tạo môi trường tự nhiên cho vườn cây của gia đình.

Ngoài trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo, ông cũng mày mò, tìm hiểu và thực hiện thành công kỹ thuật chiết ghép cây bơ có năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế. Ông hiện đang bán các loại cây giống chất lượng ra thị trường như: giống bơ, bưởi, chanh không hạt... đồng thời giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân.

Từ năm 2012 đến nay, ông Hậu đã cung ứng ra thị trường hàng trăm cây giống các loại thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Thu nhập bình quân của gia đình ông đạt hơn 250 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ, tạo việc làm cho 10 lao động có việc làm ổn định, với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lý Hồng Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân nhận xét: “Ông Hậu là điển hình cho nông dân nhanh nhạy, đổi mới phương thức sản xuất, chịu khó tham gia các hội thảo về nông nghiệp để nắm bắt tình hình, dự báo về giá của các mặt hàng của vụ tới. Từ đó, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản phẩm đạt năng suất cao, kịp thời vụ hoặc quả trái vụ để xuất ra thị trường với giá cao”.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH - HỒNG NAM

 
;
.