Vượt khó vươn lên làm giàu tại quê hương

Thứ Hai, 12/09/2022, 18:10 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Hội CCB huyện Xuyên Mộc luôn chú trọng tìm kiếm, phát huy các nguồn lực nhằm giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, đã có nhiều tấm gương CCB vượt khó vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Lãnh đạo Hội CCB huyện Xuyên Mộc thường xuyên động viên, thăm hỏi mô hình nuôi dê của ông Nghiêm Chí Tài (bìa phải).
Lãnh đạo Hội CCB huyện Xuyên Mộc thường xuyên động viên, thăm hỏi mô hình nuôi dê của ông Nghiêm Chí Tài (bìa phải).

Dám nghĩ dám làm

Năm 1999, CCB Đỗ Quý Cao từ quê hương Thái Bình vào Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống và chọn xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc để lập nghiệp. Sau 3 năm làm thuê làm mướn, ông Cao được hỗ trợ vay thêm hơn 80 triệu đồng từ Hội CCB và Hội Nông dân của huyện để mua lại quyền sử dụng 5 sào đất trồng nhãn xuồng cơm vàng. Ban đầu do chưa nắm bắt được khí hậu, thổ nhưỡng nên vườn nhãn của gia đình ông Cao không đạt năng suất.

Chịu khó tìm tòi, học hỏi, sau một thời gian, ông đã đạt “quả ngọt” khi năng suất vườn nhãn đạt hơn 30 tấn/năm. Không dừng lại, ông mở rộng diện tích vườn để trồng thêm cây thanh long. Đến nay trên diện tích 3ha đất của gia đình, hiện có 1.000 gốc nhãn và 250 gốc thanh long, cho thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 200-250 triệu đồng.

Ông Cao chia sẻ: Hưởng ứng phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tôi đã mạnh dạn vay vốn tín chấp thông qua Hội CCB huyện để đầu tư trồng cây ăn quả. Nhờ vậy cuộc sống tôi đã ổn định, chăm lo được cho gia đình. Hy vọng trong thời gian tới trên địa bàn sẽ có thêm nhiều CCB phát triển kinh tế giỏi thoát nghèo.

Rời quân ngũ, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và chịu thương, chịu khó, ông Nghiêm Thế Tài (tổ 6, KP.Phước Lộc, TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cũng đã vươn lên và trở thành tấm gương điển hình của Hội CCB tại địa phương.

Thời gian đầu, ông Tài làm thợ hàn thuê rồi tìm hiểu mô hình nuôi dê. Khi điều kiện “chín muồi”, năm 2019, ông vay 15 triệu đồng từ sự tín chấp của Hội CCB thị trấn để đầu tư chuồng và nuôi dê. Dưới bàn tay chăm sóc của ông Tài, từ 2 con dê ban đầu đến nay tổng đàn đã tăng lên 20 con. Không dừng lại ở đó, ông Tài mở rộng chuồng, nuôi thêm 100 gà đẻ trứng. Lợi nhuận từ chăn nuôi của gia đình ông đạt khoảng 70 triệu đồng/năm. Cuộc sống cũng dần khấm khá hơn.

Giúp nhau làm kinh tế giỏi

Thời gian qua, phong trào làm kinh tế giỏi của CCB huyện Xuyên Mộc đã phát triển mạnh với nhiều mô hình hay, cách làm phong phú, có hiệu quả đã giúp CCB vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Để giúp hội viên CCB có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau. Đến nay tổng số vốn của Hội tín chấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi là hơn 1 tỷ đồng. Huyện hội cũng phát huy hiệu quả mô hình “1 cây 1 con” với số tiền 3,7 tỷ đồng giúp 432 hội viên vay với lãi suất thấp.

Theo báo cáo của Hội CCB huyện Xuyên Mộc, từ phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi, hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã có hàng trăm hội viên CCB làm chủ các mô hình phát triển kinh tế, trong đó có hàng chục DN, trang trại, HTX và trên 200 gia trại, hộ kinh doanh dịch vụ với doanh thu từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng/năm. Số hội viên CCB giàu, khá chiếm trên 73%, còn lại là hội viên có mức sống trung bình, không còn hội viên nghèo.

Đồng thời, Hội CCB huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức khoa học làm kinh tế cho cán bộ, hội viên CCB. Qua đó, giúp hội viên nâng cao nhận thức, tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý kinh tế, cách bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… Từ đó, nhiều gia đình hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội CCB huyện Xuyên Mộc cho biết, thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuyên Mộc, những năm qua hoạt động của hội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều hộ CCB từ nghèo khó đi lên một cách bền vững, phát triển dần lên thành các trang trại, quy mô sản xuất - kinh doanh không ngừng mở rộng, chất lượng hàng hóa cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Mức sống hội viên đạt trung bình và cao hơn mức sống của nhân dân trên địa phương.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

;
.