*Từ ngày 29/9-9/10: Xả lũ hồ Đá Đen
Cùng với việc bảo đảm công tác tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền, công tác kiểm tra, rà soát các khu dân cư xung yếu và bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi… đề phòng ảnh hưởng của bão số Noru, đang được các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi trước cơn bão Noru. |
Sáng 27/9, Huyện ủy Châu Đức đã tổ chức cuộc họp rà soát, báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Noru. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có 22 công trình thủy lợi lớn. Trong đó, 11 hồ chứa nước và 11 đập dâng đang phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt, bao gồm các hồ chứa nước lớn như: hồ Sông Ray, hồ Đá Đen, hồ Suối Giàu, hồ Đá Bàng, hồ Tầm Bó… Hàng năm, trước cao điểm mùa mưa lũ, huyện thường tu bổ, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, chủ động các kịch bản và phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
“Hiện nay, mực nước các hồ chứa nước trên địa bàn huyện vẫn trong ngưỡng cho phép. Địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh để thông báo thời gian xả lũ ở các hồ chứa nước khi cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ đập”, ông Khởi thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã triển khai nhanh các phương án bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực xung yếu ven biển trước khi bão đổ bộ.
Tại huyện Long Điền, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai phương án ứng phó với bão số 4. Các xã, thị trấn cũng đã có phương án sơ tán hơn 2.000 người dân ở các vùng xung yếu. Đồng thời, hướng dẫn người dân chủ động chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở, nhà xưởng để đảm bảo an toàn. Các đơn vị đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.
Lãnh đạo huyện Long Điền cũng yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức trực ban 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay, cơ bản các công trình thủy lợi của tỉnh có mực nước ở cao trình cho phép - đảm bảo mức an toàn. Các khu vực dân cư ở vùng xung yếu, nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh đã được xây kè chắn sóng, nhà cửa xây dựng kiên cố đảm bảo an toàn nên chưa đến mức phải di dời dân. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến của cơn bão để chủ động phương án phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo ứng phó với các tình huống khi có bão.
*Nhằm bảo đảm an toàn cho công trình hồ chứa nước Đá Đen, tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng hạ lưu công trình, từ ngày 29/9 đến 9/10, Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tiến hành xả lũ công trình hồ chứa nước Đá Đen (đợt 4).
Công trình hồ chứa nước Đá Đen đang tích nước ở cao trình 42,99m tương ứng dung tích hồ 23 triệu m3.
Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho biết, việc xả lũ hồ chứa nước Đá Đen sẽ ảnh hưởng đến các hộ sản xuất dọc hai bên bờ Sông Dinh từ sau Hồ Đá Đen đến khu vực Bến Súc, bao gồm các địa phương: Châu Pha (TX. Phú Mỹ); Tân Hưng, Hòa Long, Long Hương, Phước Hưng, Phước Hiệp (TP.Bà Rịa); Nghĩa Thành (huyện Châu Đức).
Do đó, trung tâm đề nghị ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN huyện Châu Đức, TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa thông báo cho ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN các xã, phường biết thông tin để chủ động trong sản xuất, tuyệt đối không để người dân đánh bắt cá, mò cua, bắt ốc trong vùng hạ lưu công trình đang xả lũ.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC