TIN LIÊN QUAN:
Trước những phản ánh về việc luyện thi lớp 6 nguồn có những bất cập, ngành giáo dục đã xác minh sự việc và có giải pháp nghiêm túc chấn chỉnh.
Cơ sở bồi dưỡng văn hóa và ngoại ngữ Nguyễn Bỉnh Khiêm 2 đã dừng hoạt động sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm. |
Kẽ hở quản lý
Theo ông Lê Văn Mỹ, Phó Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, ngay khi tiếp nhận phản ánh về việc luyện thi lớp 6 nguồn, Phòng GD-ĐT đã xác minh, đồng thời đề nghị Công an thành phố làm rõ các thông tin liên quan.
Cụ thể, Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu đã làm việc với bà Đ.Th.Ng (GV bị phản ánh), cùng Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh (nơi bà Ng. đang công tác từ năm 2021 đến nay) và đại diện Cơ sở Bồi dưỡng Văn hóa - Ngoại ngữ Nguyễn Bỉnh Khiêm (nơi bà Ng. thuê địa điểm để tổ chức dạy thêm).
Bà Đ.Th.Ng thừa nhận có tổ chức luyện thi lớp 6 nguồn cho 3 nhóm HS lớp 5 từ nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Mỗi nhóm từ 20 đến 30 em. Thời lượng học 2 buổi/ tuần với mức học phí 125 ngàn đồng/buổi (1 triệu đồng/tháng). Bà Ng. cũng nhận thức được đây là việc làm sai quy định đối với giáo viên tiểu học.
Về nội dung trao đổi với phụ huynh: “Cô dạy trúng 100% (đề thi, PV) Toán, Khoa học, Sử, Địa, Tiếng Việt phần trắc nghiệm”, bà Ng. cho biết, do phát ngôn thiếu suy nghĩ, chứ bản thân bà Ng. và cô D. không biết đề.
“Việc khảo sát năng lực Phòng GD-ĐT tổ chức rất nghiêm túc. Tôi phát ngôn chưa chuẩn mực, nên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của kỳ khảo sát và uy tín của ngành giáo dục TP.Vũng Tàu. Tôi thành thật xin lỗi!”, bà Ng. thừa nhận. Tại buổi làm việc, bà Đ.Th.Ng cũng đã viết Bản tự kiểm điểm và cam kết chấm dứt việc dạy thêm.
Nói về vụ việc, bà Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã quán triệt thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm học thêm. Trường thành lập tổ kiểm tra đối với GV. Tuy nhiên, do thời gian học trực tuyến dài nên nhà trường chỉ kiểm tra việc dạy thêm thường xuyên đối với các GV chủ nhiệm. Còn bà Đ.Th.Ng. là GV bộ môn, dạy môn Đạo đức, Kỹ thuật lớp 4, 5, không bố trí chủ nhiệm lớp.
Bà Nhàn cho biết thêm: “Năm học 2021-2022, trường chỉ có 2 HS lớp 5 đăng ký dự tuyển lớp 6 nguồn. Nhà trường không tổ chức ôn luyện cho HS. Sau khi có thông tin về việc tổ chức ôn luyện lớp 6 nguồn, nhà trường đã làm việc với cô Ng. Trong vụ việc này, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc quản lý viên chức”.
Về phía Cơ sở Bồi dưỡng Văn hóa - Ngoại ngữ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Lê Thị Thanh Thủy cho hay, bản thân bà là người quản lý chung, không phải chủ cơ sở. Bà Thủy nhận sai sót vì để xảy ra việc dạy thêm không đúng quy định tại cơ sở do bà quản lý.
Sẽ kiểm tra khắt khe về dạy thêm
Về xử lý vi phạm, hiện Phòng GD-ĐT đang xem xét hình thức kỷ luật cụ thể đối với bà Đ.Th.Ng. Đồng thời, yêu cầu Trường TH Nguyễn Hữu Cảnh tiến hành xử lý vi phạm đối với viên chức thuộc quản lý của nhà trường và có văn bản phê bình, kiểm điểm đối với bà Ng. Về phía Cơ sở Bồi dưỡng Văn hóa - Ngoại ngữ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cơ sở đã vi phạm quy định về dạy thêm - học thêm và giấy phép hoạt động đã hết thời hạn. Phòng GD-ĐT sẽ có văn bản đề nghị UBND phường 7 xử phạt vi phạm hành chính cơ sở này.
Đối với việc luyện thi lớp 6 nguồn, Phòng GD-ĐT không có chủ trương vì cấp tiểu học không được phép tổ chức dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, phụ huynh HS cần cân nhắc khi cho con em theo học các lớp luyện thi và cảnh giác trước các thông tin quảng bá mà chưa được kiểm chứng.
"Để ngăn chặn việc dạy thêm trái quy định, phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về quản lý dạy thêm học thêm. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố lập các đoàn kiểm tra. Khi phát hiện GV dạy thêm sai quy định, Phòng GD-ĐT cũng sẽ xử lý nghiêm", lãnh đạo Phòng GD-ĐT thành phố nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, việc dạy thêm, học thêm, luyện thi cho HS TH dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và của UBND tỉnh. Tháng 7 vừa qua, Sở cũng đã ra công văn chấn chỉnh dạy thêm học thêm và sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
KHÁNH CHI
GIÁO VIÊN VI PHẠM VỀ DẠY THÊM BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO? Theo công văn số 754/UBND ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh, các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ, tin học; bồi dưỡng văn hóa; cơ sở tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép và xử phạt theo quy định hiện hành. GV vi phạm quy định về dạy thêm ngoài việc chịu hình thức xử lý kỷ luật theo các quy định nêu trên còn phải nhận thêm các hình thức kỷ luật nghiêm khắc: Lần thứ nhất, bị kiểm điểm, khiểm trách trong tập thể sư phạm nhà trường, không xem xét các danh hiệu thi đua trong năm học đó; Lần thứ hai, bị xử lý kỷ luật mức cảnh cáo trong toàn ngành giáo dục, không được công nhận bất kỳ danh hiệu thi đua nào và không được xét thi đua trong 3 năm tiếp theo (kể từ năm vi phạm); Lần thứ ba, bị điều chuyển công tác hoặc xem xét cho thôi việc. Ngoài ra, Hiệu trưởng và trường có GV vi phạm cũng bị xem xét trách nhiệm. Riêng với các cá nhân không phải là người lao động ngành giáo dục, nếu tổ chức dạy thêm sai quy định sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục. |